Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà (Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết đậu lăng hay còn gọi là thiết đậu (tên tiếng Anh: Lentils) thuộc họ đậu đỗ, với rất giàu protein và chất xơ mà lại chứa rất ít chất béo và hoàn toàn không chứa chất béo cholesterol.
"Đậu lăng được xem là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch, quản lý đái tháo đường, phòng ngừa ung thư, cải thiện tiêu hóa, giúp giảm cân, điều trị thiếu máu, tăng cường sức khỏe thần kinh và ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch ở phụ nữ có thai và người lớn tuổi. Đậu lăng có rất nhiều loại, phổ biến như đậu lăng nâu, đậu lăng xanh, đậu lăng đỏ, đậu lăng đen... mỗi loại sẽ có hương vị khác nhau và phù hợp với từng món ăn", bác sĩ Hà cho hay.
Giá trị dinh dưỡng
|
|
Mỗi 100 gram đậu lăng chứa 9-10 gram protein, nhiều hơn lượng protein có trong 1 quả trứng gà |
Một số giá trị dinh dưỡng quan trọng của đậu lăng có thể kể đến như:
Protein: Đậu lăng chứa một lượng lớn protein. Mỗi 100 gram đậu lăng chứa 9-10 gram protein, nhiều hơn lượng protein có trong 1 quả trứng gà. Protein giúp duy trì và phục hồi cấu trúc tế bào, làm mạnh cơ bắp, hỗ trợ chức năng miễn dịch và nhiều chức năng khác.
Chất xơ: Đậu lăng là nguồn chất xơ tốt, giúp cải thiện quá trình tiêu hóa, ngăn chặn việc tăng đường huyết nhanh chóng và duy trì sức khỏe của hệ tiêu hóa. Mỗi 100 gram đậu lăng chứa 8-9 gram chất xơ, chiếm khoảng 30% lượng chất xơ cơ thể cần, có thể giúp duy trì cảm giác no lâu hơn, giúp kiểm soát cân nặng.
Vitamin và khoáng chất: Đậu lăng cung cấp nhiều vitamin như vitamin C, vitamin K, vitamin B1 (thiamine), vitamin B2 (riboflavin), vitamin B3 (niacin) và các khoáng chất như mangan, đồng, sắt, magie, kali.
Gốc chống oxy hóa tự nhiên: Đậu lăng chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid, polyphenol, có khả năng chống lại tác động của các gốc tự do trong cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường và bệnh lý tim mạch.
Lợi ích sức khoẻ
Chính vì những giá trị dinh dưỡng này mà đậu lăng có nhiều lợi ích để bảo vệ sức khỏe
Ngăn ngừa ung thư:
Selen (hay selenium) là một khoáng chất hiếm được tìm thấy trong đậu lăng. Chúng ít được tìm thấy trong các loại thực phẩm khác.
Selen có khả năng chống viêm, ngăn ngừa tổn thương các mã gien DNA, giảm tốc độ phát triển khối u, cải thiện phản ứng miễn dịch với sự lây nhiễm bằng cách kích thích sản sinh tế bào lympho T diệt mầm bệnh.
Bên cạnh đó, selen cũng đóng vai trò hỗ trợ chức năng men gan và hóa giải độc tố một số hợp chất gây ung thư trong cơ thể.
Procyanidin và flavonoid là những Polyphenol có trong đậu lăng có tác dụng kháng viêm và chống oxy hóa mạnh. Chúng giúp tăng cường sức khỏe và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Chất xơ trong đậu lăng cũng giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Đậu lăng có nhiều acid folic (vitamin B9), sắt và vitamin B1 hỗ trợ tốt cho sức khỏe tim mạch. Acid folic bảo vệ sức khỏe tim mạch, hỗ trợ sự hình thành các tế bào hồng cầu và tham gia vào quá trình hình thành ống thần kinh trong bào thai. Điều này đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi cho phụ nữ có thai. Đậu lăng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách giảm cholesterol xấu và huyết áp.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Đậu lăng cung cấp rất nhiều chất xơ tan giúp thúc đẩy chức năng tiêu hóa, giảm hấp thu các chất béo không có lợi cho sức khỏe và tạo điều kiện thuận lợi cho hệ vi khuẩn chí đường ruột phát triển, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
Giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính
Các nghiên cứu chứng minh rằng thường xuyên ăn đậu lăng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, béo phì, ung thư và bệnh lý tim mạch. Điều này là nhờ hàm lượng phong phú Polyphenol - đậu lăng nằm trong số các loại đậu được xếp hạng hàng đầu về hàm lượng chất chống oxy hóa này.
Đối với đa số mọi người, đậu lăng là một thực phẩm bổ sung lành mạnh cho chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, đậu lăng có chứa hợp chất kháng dinh dưỡng (anti-nutrients) có thể khiến cơ thể khó hấp thu một số vitamin và khoáng chất, phổ biến như sắt, kẽm, canxi... Ngâm đậu và hầm chín kỹ có thể làm giảm tác động này của chất kháng dinh dưỡng. Tương tự như các loại đậu khác, một số người có thể bị dị ứng với đậu lăng.
Theo Thanh niên