leftcenterrightdel
 

Mùa nắng nóng, do thói quen ăn uống không hợp lý đã gia tăng gánh nặng cho gan kèm theo thời tiết nóng bức tăng nguy cơ mất nước, từ đó cũng ảnh hưởng tới chức năng gan.

Thực tế thì ngoài chế độ ăn uống, cần cân đối giữa các nhóm chất dinh dưỡng, tránh ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, hạn chế uống đồ lạnh, uống nhiều nước hơn vào mùa hè, hạn chế thức khuya, tránh các loại đồ uống có thể gây mất nước như bia rượu. Để bảo vệ gan khỏe mạnh thì những loại thảo mộc lành tính giàu chất chống oxy hóa và có đặc tính chống viêm giúp hỗ trợ điều trị một số tình trạng bệnh gan nói riêng và tăng cường sức khỏe lá gan nói chung cũng được rất nhiều người quan tâm.

Cần lưu ý rằng, các loại thảo dược có thể cho hiệu quả tốt ở người này nhưng người khác thì không. Chính vì thế mà điều quan trọng là bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào, nhất là thảo dược ở dạng thực phẩm bổ sung, đặc biệt là khi đang sẵn có các bệnh về gan và cần phải điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ.

7 loại thảo mộc có thể hỗ trợ sức khỏe lá gan

Dưới đây là một số loại thảo mộc có thể hỗ trợ sức khỏe lá gan dựa trên các nghiên cứu khoa học hiện tại trên NCBI, theo Healthline:

1. Cây kế sữa

Cây kế sữa (Silybum marianum hoặc Carduus marianus) là một loại thảo mộc có hoa liên quan đến họ cúc và cỏ phấn hương. Đặc trưng là hoa có màu tím cùng các đường vân gai trắng.

Các tác dụng của cây kế sữa đến từ chiết xuất của cây, gồm một lượng lớn silymarin (65% - 80%) cô đặc từ cây. Silymarin chiết xuất từ cây kế sữa được biết là có đặc tính chống oxy hóa, kháng virus và chống viêm hiệu quả. Từ đó có thể giúp thúc đẩy tái tạo tế bào gan, giảm viêm và kéo dài tuổi thọ ở những người bị xơ gan do rượu và nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung ở những người bị bệnh gan.

Tuy nhiên, vẫn có một số nghiên cứu không đồng nhất và chỉ ra rằng silymarin không hiệu quả hơn so với các phương pháp điều trị dùng giả dược.

leftcenterrightdel
Cây kế sữa (Ảnh: Internet) 

Tác dụng phụ có thể gặp: Trên thực tế thì trong các nghiên cứu sử dụng liều cao với thời gian dài chỉ có khoảng 1% số người gặp các tác dụng phụ do chiết xuất cây kế sữa, phổ biến là rối loạn đường ruột bao gồm tiêu chảy, buồn nôn hoặc đầy hơi. Mặc dù chiết xuất cây kế sữa được sử dụng như một liệu pháp bổ sung cho người mắc bệnh gan nhưng hiện tai không có bằng chứng nào cho thấy chiết xuất cây kế sữa có thể ngăn bạn mắc các bệnh về gan, đặc biệt là khi bạn có lối sống không lành mạnh.

2. Nhân sâm

Nhân sâm là một loại thực phẩm thảo dược bổ sung phổ biến với đặc tính chống viêm mạnh mẽ và chống oxy hóa giúp bảo vệ gan khỏi các tổn thương do virus, độc tố và rượu gây ra đồng thời có thể thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào gan sau phẫu thuật, theo một số nghiên cứu trong ống nghiệm và trên động vật.

Theo Healthline, một số nghiên cứu khác trên người cũng chỉ ra rằng nhân sâm có thể giúp hỗ trợ cải thiện chức năng gan, giảm mệt mỏi và viêm ở những người đang mắc bệnh về gan hay bị rối loạn chức năng gan.

leftcenterrightdel
Nhân sâm rất phổ biến với người Châu Á (Ảnh: Internet) 

Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2020 trên NCBI được thực hiện trên 50 nam giới có nồng độ ALT (một loại men được tìm thấy ở trong tế bào gan và có vai trò hỗ trợ phân giải protein để cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ, khi gan có dấu hiệu viêm hoặc tổn thương, lượng ALT trong máu tăng lên) cao, đã phát hiện ra rằng những người sử dụng 3 gam chiết xuất nhân sâm mỗi ngày trong 12 tuần đã giảm đáng kể nồng độ ALT so với nhóm dùng giả dược.

Lưu ý: Khi được sử dụng riêng, nhân sâm được cho là tương đối an toàn đối với sức khỏe của lá gan. Tuy nhiên, nhân sâm có thể tương tác với một số loại thuốc (làm loãng máu, thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) dùng trong trường hợp điều trị bệnh trầm cảm, chất kích thích kể cả caffeine, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc ức chế miễn dịch,...) dẫn tới tổn thương gan và các tác dụng phụ khác, vì thế hãy nói chuyện với bác sĩ nếu đang uống thuốc và muốn thêm nhân sâm vào chế độ ăn hàng ngày.

3. Trà xanh

Mặc dù về lý thuyết thì đưa trà xanh vào danh sách các loại thảo mộc có vẻ không hợp lý, tuy nhiên hợp chất polyphenol chính trong trà xanh là epigallocatechin-3-gallate (EGCG) thường được xem xét trong đánh giá liên quan tới các bài thuốc thảo dược chữa bệnh, bao gồm cả bệnh gan.

Theo Healthline, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc bổ sung chiết xuất trà xanh có thể giúp hỗ trợ điều trị một số vấn đề tại gan. Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2016 trên NCBI ở 80 người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cho thấy bổ sung 500 mg chiết xuất trà xanh trong 90 ngày giúp giảm đáng kể các dấu hiệu tổn thương gan là ALT và AST huyết thanh so với nhóm dùng giả dược.

leftcenterrightdel
Trà xanh có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhờ giàu chất chống oxy hóa EGCG (Ảnh: Internet) 

Việc uống trà xanh cũng được chứng minh là có tác dụng bảo vệ và chống lại nhiều tình trạng bệnh gan khác nhau bao gồm: Bệnh ung thư gan, viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ và bệnh gan mãn tính.

Lưu ý: Mặc dù việc uống trà xanh được coi là an toàn đối với hầu hết mọi người, những trong một số trường hợp thì các chất bổ sung dạng chiết xuất trà xanh có thể liên quan tới các tổn thương gan mãn tính khi dùng với liều lượng đậm đặc. Tuy nhiên nếu ngừng sử dụng, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh chóng. Vì thế cần có chỉ định của bác sĩ mới có thể sử dụng chiết xuất hoặc các sản phẩm có chiết xuất trà xanh.

4. Cam thảo

Rễ cam thảo đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm, kháng virus và bảo vệ gan trong nhiều nghiên cứu khoa học, phổ biến trong nhiều bài thuốc Y học cổ truyền của Trung Quốc và Nhật Bản với hoạt chất saponin glycyrrhizin là thành phần chính.

Một nghiên cứu năm 2012 trên NCBI được thực hiện trên 66 người mắc bệnh gan nhiễm mỡ cho thấy, bổ sung 2 gam chiết xuất rễ cam thảo mỗi ngày trong 2 tháng có thể giúp giảm đáng kể nồng độ ALT và AST so với điều trị bằng giả dược.

leftcenterrightdel
Rễ cam thảo đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm, kháng virus và bảo vệ gan trong nhiều nghiên cứu khoa học (Ảnh: Internet) 

Một nghiên cứu nhỏ khác thử nghiệm với 6 người khỏe mạnh đã uống một sản phẩm chứa glycyrrhizin trước khi uống rượu vodka mỗi đêm trong 12 ngày và 6 người chỉ uống mà không dùng thuốc. Kết quả cho thấy các tổn thương gan ở nhóm chỉ uống rượu bao gồm chỉ số ALT, AST và GGT tăng đáng kể trong khi đó nhóm có sử dụng glycyrrhizin dao động không nhiều. Điều này có thể chỉ ra glycyrrhizin có thể giúp bảo vệ chống lại các tổn thương gan có liên quan tới rượu.

Tuy nhiên các nghiên cứu này vẫn còn nhỏ lẻ và cần nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa trên người.

Lưu ý: Hiện tại không có khuyến nghị về liều lượng tiêu chuẩn sử dụng cam thảo. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ủy ban Khoa học Thực phẩm Châu Âu (SCF) đều khuyến nghị hạn chế lượng glycyrrhizin ăn vào không quá 100 mg mỗi ngày. Ngoài ra với người nhạy cảm khi sử dụng cam thảo trong thời gian dài có thể dẫn tới các tác dụng phụ nguy hiểm bao gồm huyết áp tăng cao và hạ kali máu.

5. Nghệ

Nghệ với thành phần hoạt chất chính là curcumin có liên quan tới nhiều lợi ích sức khỏe ấn tượng bao gồm đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và chống ung thư mạnh mẽ nên dễ thấy nghệ là lựa chọn của nhiều người mắc bệnh gan bao gồm viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ và có nhu cầu giải độc gan.

leftcenterrightdel
Nghệ với thành phần hoạt chất chính là curcumin (Ảnh: Internet) 

Một nghiên cứu năm 2016 trên NCBI được thực hiện trên 500 người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu với 500 mg curcumin trong 8 tuần, kết quả cho thấy lượng mỡ trong gan cũng như nồng độ ALT và AST giảm đáng kể so với nhóm sử dụng giả dược. Kết quả còn có sự cải thiện hơn liên quan tới giảm cholesterol xấu khi kết hợp với hợp chất piperine có trong hạt tiêu đen.

Lưu ý: Ở dạng tự nhiên (nguyên chất), nghệ hầu như lành tính và không có rủi ro. Tuy nhiên, đã có những báo cáo liên quan tới việc sử dụng curcumin ở dạng thực phẩm bổ sung ở liều cao có thể gây độc, đặc biệt với gan. Vì thế cần thận trọng khi có ý định bổ sung thực phẩm bổ sung chứa chiết xuất curcumin, nhất là người đang điều trị ung thư hoặc dùng thuốc chống đông máu.

6. Tỏi

Tỏi là thành phần tự nhiên trong nhiều bài thuốc thảo dược cũng là gia vị quen thuộc của nhiều gia đình Việt nhờ chứa đầy các hợp chất thực vật chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ, chẳng hạn như allicin, alliin và ajoene có thể hỗ trợ tăng cường sức khỏe lá gan bao gồm thúc đẩy sử chữa tế bào gan bị tổn thương, giảm gánh nặng cho gan, ngăn ngừa xơ gan ở người khỏe mạnh.

Một nghiên cứu năm 2020 trên NCBI với 98 người mắc bệnh gan nhiễm mỡ tham gia cho thấy những người sử dụng 800 mg bột tỏi mỗi ngày trong 15 tuần đã có kết quả giảm đáng kể nồng độ ALT, AST, cholesterol xấu và triglyceride so với nhóm dùng giả dược. Hơn nữa, 51% trong số này cho thấy sự cải thiện về mức độ nghiêm trọng của tình trạng tích tụ mỡ gan so với 16% người ở nhóm đối chứng.

leftcenterrightdel
Tỏi là thành phần tự nhiên trong nhiều bài thuốc thảo dược cũng là gia vị quen thuộc của nhiều gia đình Việt (Ảnh: Internet) 

Một nghiên cứu khác trên 24.000 người trưởng thành năm 2019 trên NCBI cho thấy, nam giới ăn tỏi sống nhiều hơn 7 lần mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ thấp hơn 29% nam giới không có thói quen này.

Không chỉ với bệnh gan nhiễm mỡ, một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc ăn tỏi sống với nguy cơ ung thư gan thấp hơn 23% khi ăn ít nhất hai lần mỗi tuần.

Lưu ý khi ăn tỏi sống: Mặc dù thường được coi là an toàn khi ăn tỏi sống nhưng chiết xuất tỏi dạng cô đặc có thể gây tổn thương gan ở một số người khi tiêu thụ với nhiều lượng lớn do phản ứng của allicin. Người đang mắc các bệnh về gan và đang điều trị cũng nên thận trọng khi tiêu thụ tỏi, tốt nhất hãy nói chuyện với bác sĩ chủ trị của bạn.

7. Gừng

Gừng chứa các hợp chất chống oxy hóa vô cùng mạnh mẽ là gingerol và shogaol có tác dụng ức chế tình trạng viêm và bảo vệ chống lại các tổn thương tế bào, từ đó hỗ trợ sức khỏe lá gan cũng như bảo vệ gan khỏi các chất độc kích thích gan như rượu bia hay gan nhiễm mỡ.

Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần năm 2020 trên NCBI với 46 người mắc bệnh gan nhiễm mỡ cho thấy, bổ sung 1.500 mg bột gừng mỗi ngày giúp giảm đáng kể mức ALT, cholesterol toàn phần và cholesterol xấu cũng như protein phản ứng C (CRP) gây viêm khi so với nhóm điều trị bằng giả dược.

leftcenterrightdel
Gừng chứa các hợp chất chống oxy hóa vô cùng mạnh mẽ là gingerol và shogaol (Ảnh: Internet) 

Lưu ý: Mặc dù gừng tương đối an toàn với hầu hơi người khỏe mạnh nhưng không nên tiêu thụ quá 4 gam gừng mỗi ngày dù ở bất kỳ hình thức nào. Đặc biệt với người đang sẵn có các tình trạng viêm gan và xơ gan, tiểu đường, bệnh tim mạch và sỏi thận muốn sử dụng gừng hay thực phẩm bổ sung chiết xuất từ gừng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tương tác với các thuốc đang điều trị.

Tóm lại, gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải độc và sức khỏe tổng thể. Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, có lối sống khoa học, tập luyện thể dục thường xuyên, uống đủ nước, không thức khuya, quản lý tốt căng thẳng, tránh uống nhiều rượu bia, bỏ thuốc lá,... thì một số loại thảo mộc cũng có thể hỗ trợ sức khỏe lá gan.

Một lần nữa nhấn mạnh rằng, mặc dù một số phương pháp điều trị bằng thảo dược có thể hỗ trợ chữa hoặc ngăn ngừa các bệnh về gan nhưng bất kỳ ai muốn sử dụng và sẵn có các tổn thương gan hoặc bệnh lý khác thì đều cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt là thảo dược ở dạng chiết xuất bổ sung bởi có nhiều thuốc thảo dược có liên quan tới các tổn thương gan gia tăng khi sử dụng không đúng cách.

Ngoài ra, thảo dược cũng có thể bị nhiễm kim loại nặng, dư lượng thuốc trừ sâu hay nấm mốc khi không bảo quản đúng cách cũng dễ dàng gây hại cho gan của người sử dụng, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng.

Châu Anh/Nguồn: Healthline