Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: Rau mồng tơi có tên khoa học Basella alba L thuộc họ mồng tơi - Basellaceae. Đây là cây thảo leo có lá mọc so le, phiến nguyên và mọng nước. Ở nước ta, mồng tơi là loại rau ăn rất phổ biến, có thể chế biến được nhiều món canh ngon, là bài thuốc hữu ích với rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Theo y học cổ truyền, mồng tơi có vị ngọt, chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, hóa tràng, lương huyết, giải độc. Loại cây này thường được dùng để chữa đại tiện táo bón, tiểu tiện khó, tiêu chảy ra máu, da nổi ban, mụn nhọt.

Theo y học hiện đại, lá mồng tơi tươi chứa nhiều vitamin chủ yếu là vitamin A và B; cây chứa protein, calcium, sắt, vitamin, chất nhầy. Ngoài ra, trong lá mồng tơi chứa nhiều hợp chất như ß-carotene, lutein, zeaxanthin, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do vốn có liên quan đến tình trạng lão hóa và nhiều quá trình bệnh khác nhau.

Trong thân và lá rau mồng tơi còn chứa nhiều polysaccharide phi tinh bột, chất nhầy, chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa, chất xơ góp phần làm giảm hấp thu cholesterol và ngăn ngừa các vấn đề về ruột.

Món ngon vị thuốc: Rau mồng tơi thanh nhiệt, giải độc - Ảnh 1.

Mồng tơi là cây thảo leo có lá mọc so le, phiến nguyên và mọng nước

LÊ CẦM

Bác sĩ Vũ chia sẻ một số bài thuốc dân gian sử dụng mồng tơi:

Tốt cho xương khớp: Nước cốt từ rau mùng tơi có thể làm mau lành vết bỏng. Hầm mùng tơi với chân giò thêm chút rượu để ăn hằng ngày sẽ giúp trị đau nhức xương khớp.

Đại tiện táo bón: Dùng mồng tơi 500g, thêm mắm muối, tương, giấm, nấu thành món canh ăn trong bữa cơm; sau vài ngày đại tiện sẽ thông.

Đại tiện xuất huyết kinh niên: Rau mồng tơi 30g, gà mái già 1 con (bỏ đầu, chân, nội tạng), hầm lên ăn; sau khi thịt gà chín, mới cho mồng tơi vào, nấu thêm 20 phút là được.

Thanh nhiệt, giải độc, chữa táo bón: Rau mồng tơi nấu canh ăn hằng ngày. Sử dụng vài ngày là đại tiện sẽ thông, không còn táo bón. Phụ nữ mang thai thường xuyên bị táo bón có thể sử dụng cây mồng tơi thay thế cho các loại thuốc nhuận tràng có hại. Nó thúc đẩy tiêu hóa bằng cách bổ sung chất nhầy và chất xơ hòa tan, tạo điều kiện để bà bầu đi cầu thuận lợi và dễ dàng hơn.

Tiểu tiện không thông suốt, đái rắt, đái nhỏ giọt: Dùng rau mồng tơi tươi 70-100g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

Chảy máu mũi do huyết nhiệt: Dùng mồng tơi tươi giã nát, dùng bông thấm nước cốt, nhét vào lỗ mũi.

Đẹp da: Lấy lá mồng tơi non ở đầu nhánh, giã nát lấy nước cốt thêm ít muối thoa nhiều lần rồi rửa sạch. Thực hiện vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ.

Trị tiểu khó: Giã hoặc xay nhuyễn lá mồng tơi, vắt lấy nước cốt hòa với nước đun sôi để nguội, thêm một ít muối. Uống hỗn hợp này vào buổi sáng trước khi ăn điểm tâm, còn bã mồng tơi dùng để đắp lên bụng dưới chỗ bọng đái.

Lợi sữa: Phụ nữ sau khi sinh ít sữa, ăn rau mồng tơi sẽ nhiều sữa hơn. Hầm như gà ác chung với đậu đen rồi cho mồng tơi vào nấu thêm 5 phút nữa. Cho sản phụ ăn khi còn nóng sẽ giúp kích thích ra nhiều sữa. Món ăn này còn bổ sung nhiều sắt, vitamin và chất nhầy giúp ngăn ngừa táo bón sau sinh và bồi bổ sức khỏe, dưỡng da, hạn chế rụng tóc.

Tuy nhiên, bác sĩ Vũ cũng lưu ý mồng tơi tính hàn nên người có tỳ vị hư hàn không nên dùng nhiều. Các món ăn bài thuốc từ rau mồng tơi sau khi chế biến xong nên ăn hết trong ngày. Mỗi lần ăn nên hâm nóng lại. Tránh để mồng tơi qua đêm gây biến chất, ngộ độc.

Theo Thanh niên