leftcenterrightdel
 Súp gà giàu dinh dưỡng tốt cho người bị ốm (Ảnh: Internet)

Khi bạn ốm, việc ăn những thực phẩm đúng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong quá trình hồi phục của bạn. Dinh dưỡng đúng cách có thể hỗ trợ hệ miễn dịch, làm giảm nhẹ các triệu chứng và cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể bạn để chữa lành.

1. Ốm nên ăn gì để nhanh khỏi?

Dưới đây là một số thực phẩm bạn nên ăn khi bị ốm. Lưu ý, tùy vào tình trạng sức khỏe của bản thân mà bạn lựa chọn các thực phẩm phù hợp, chú ý nếu bạn bị dị ứng.

1.1. Súp ấm, nước hầm

Giữ đủ nước rất quan trọng khi bạn bị ốm, kể cả khi bạn không bị sốt. Súp, nước hầm ấm là một lựa chọn tuyệt vời khi bạn đang băn khoăn không biết nên ăn gì khi bị ốm. Súp - chẳng hạn như súp gà, súp trứng, súp thịt băm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và điện giải giúp hỗ trợ hệ miễn dịch và thúc đẩy quá trình hồi phục, sửa chữa tế bào bị tổn thương.

Hơn nữa, khi bị ốm, các lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa bị tiêu diệt nên ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa như súp sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng tiêu hóa. Hơi nóng từ súp cũng góp phần giảm nhẹ các triệu chứng nghẹt mũi và làm dịu cổ họng bị đau rát do cúm hay cảm lạnh.

1.2. Trái cây họ cam quýt

Khi nói đến việc cải thiện hệ miễn dịch của bạn, vitamin C là một yếu tố quan trọng. Ăn trái cây họ cam quýt khi bị ốm có nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe. Trái cây họ cam quýt như cam, quýt, chanh và bưởi giàu vitamin C, có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và rút ngắn thời gian bị bệnh.

Trên thực tế, theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), việc bổ sung vitamin C hàng ngày, có tác dụng chống histamine, có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh và rút ngắn thời gian của bệnh khoảng 8%.

Trái cây họ cam quýt cũng chứa flavonoid, có khả năng chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ. Ngoài ra, hàm lượng nước cao trong các loại trái cây này cũng giúp cơ thể giữ được nước và duy trì sự hydrat hóa, điều quan trọng khi bạn bị ốm. Hãy nhớ rằng dù có lợi nhưng cần tiêu thụ ở mức độ vừa phải, vì đường tự nhiên trong trái cây cũng nên được quản lý đúng cách. Hơn nữa, trái cây chua có thể gây kích ứng cổ họng đang đau hay đang ho khiến triệu chứng thêm trầm trọng hơn.

1.3. Thịt gia cầm

Thịt gia cầm là một nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời mà bạn có thể lựa chọn khi bị ốm, đặc biệt là các loại thịt không có da, không có mỡ. Cần chú ý nấu chín thịt để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.

Thịt gia cầm giàu protein cần thiết cho quá trình phục hồi và sửa chữa các mô trong cơ thể, giúp nâng cao hệ miễn dịch.

Thịt gia cầm cũng chứa các axit amin cần thiết mà cơ thể không tự sản xuất được có tác dụng thúc đẩy quá trình hồi phục. Chẳng hạn, thịt gà chứa axit amin cysteine - một dạng cysteine có tác dụng phá vỡ chất nhầy, kháng virus, chống viêm và chống oxy hóa.

leftcenterrightdel
Thịt gà hay thịt gia cầm nên bỏ da để dễ tiêu hóa khi bị ốm (Ảnh: Internet) 

Các vitamin và khoáng chất như B6, B12 kẽm, sắt dồi dào trong thịt gia cầm đều có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch và cải thiện tình trạng sức khỏe khi bị ốm.

1.4. Gừng và tỏi

Cả gừng và tỏi đều có đặc tính chống viêm tự nhiên và tăng cường miễn dịch.

Đối với gừng, gừng có liên quan tới phản ứng kháng thể mạnh hơn, nghĩa là nó có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại các virus xâm nhập tiềm ẩn. Gingerol, hoạt chất chính trong gừng, có thể giúp chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn và virus, giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Nếu bạn đang phải đối mặt với tình trạng buồn nôn hoặc nôn mửa thì gừng có thể là biện pháp giảm nhẹ hiệu quả và an toàn, ngay cả với phụ nữ mang thai. Nó cũng có thể giúp giảm đau họng và làm dịu dạ dày.

Gừng có thể được sử dụng để ăn trực tiếp, thêm vào món ăn hoặc cho vào trà ấm để uống, vừa giúp bổ sung nước lại giảm khó chịu khi bị ốm.

Đối với tác dụng của tỏi khi bị ốm, tỏi chứa allicin, một hợp chất có tính kháng khuẩn và kháng virus mạnh. Ăn tỏi có thể giúp cơ thể đối phó với cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng khác. Ngoài ra, tỏi cũng được cho là có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch và có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh.

Nếu bạn không thích ăn tỏi sống, bạn có thể lựa chọn chiết xuất tỏi thay thế. Theo Healthline, thêm chất bổ sung chiết xuất tỏi lâu năm có thể tăng cường chức năng miễn dịch và giảm mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh và cảm cúm.

leftcenterrightdel
Trà gừng mật ong có tác dụng làm dịu họng (Ảnh: Internet) 

1.5. Sữa chua và thực phẩm lên men

Sức khỏe của đường ruột của bạn có một vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch tổng thể của bạn. Probiotics có trong sữa chua và thực phẩm lên men (như kefir, kombucha) có thể tăng cường hệ vi sinh đường ruột của bạn, dẫn đến sức đề kháng được cải thiện cũng như giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Việc sử dụng kháng sinh có thể làm giảm lượng vi khuẩn tốt trong đường ruột, và probiotics từ thực phẩm lên men có thể giúp phục hồi sự cân bằng này.

Sữa chua giàu canxi, protein, và vitamin B, cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể khi bạn bị ốm.

1.6. Trà nóng

Trà là một liệu pháp được ưa chuộng để giảm các triệu chứng liên quan tới cảm lạnh và cúm. Cũng giống như súp nóng thì trà ấm có tác dụng giúp thông mũi tự nhiên và làm dịu cổ họng đang bị đau rát. Trà cũng chứa polyphenol được tìm thấy trong thực vật có nhiều tác dụng đối với sức khỏe như chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư.

Nếu bạn muốn nhấm nháp trà nóng cả ngày, hãy lựa chọn các loại trà đã khử caffeine. Khi uống trà, không nên uống trà quá nóng bởi hơi nóng từ đó có thể gây bỏng niêm mạc mũi.

1.7. Các loại rau lá xanh

Ăn rau lá xanh khi bị ốm có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Rau lá xanh như cải bó xôi, cải kale, và rau chân vịt rất giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ cùng với một lượng lớn chất chống oxy hóa. Các tác dụng cụ thể bao gồm:

- Tăng cường hệ miễn dịch: Rau lá xanh chứa nhiều vitamin A, C và E, cùng với các chất chống oxy hóa như polyphenol giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.

- Cải thiện tiêu hóa: Chất xơ trong rau lá xanh giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, có thể thúc đẩy chức năng ruột và giảm tình trạng táo bón.

leftcenterrightdel
Các loại rau lá xanh nên được chế biến đơn giản để dễ tiêu hóa (Ảnh: Internet) 

- Giảm viêm: Nhiều loại rau lá xanh chứa các hợp chất chống viêm có thể giúp làm giảm viêm trong cơ thể.

- Cung cấp dinh dưỡng cần thiết: Khi bị ốm, cơ thể có thể cần nhiều chất dinh dưỡng hơn để phục hồi. Rau lá xanh cung cấp một nguồn tốt các vitamin và khoáng chất quan trọng mà cơ thể cần.

Tuy nhiên, khi bị ốm, nên chú ý đến khả năng tiêu hóa của cơ thể và có thể cần chế biến rau một cách đơn giản, chẳng hạn như hấp hoặc luộc để dễ tiêu hóa hơn.

1.8. Các thực phẩm nên ăn khi bị ốm khác

- Chuối là thực phẩm tuyệt vời khi bạn bị ốm nhờ giàu chất dinh dưỡng và carbs tác dụng nhanh. Kali trong chuối cũng có thể giúp bổ sung lượng điện giải dự trữ và giàu chất xơ hòa tan.

- Mật ong luôn được khuyên dùng khi bị đau họng và ho nhờ khả năng kháng khuẩn tự nhiên.

- Ngũ cốc và bột yến mạch có vị nhạt, dễ ăn có thể cung cấp calo, vitamin và khoáng chất cần thiết khi bị ốm. Chọn bột yến mạch nguyên hạt và ngũ cốc dạng cám nếu bạn bị táo bón. Những loại ngũ cốc này có chất xơ giúp điều chỉnh nhu động ruột của bạn.

- Trái cây giàu anthocyanin như dâu tây, việt quất có tác dụng chống viêm, kháng virus và tăng cường miễn dịch mạnh mẽ nhờ khả năng kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể.

- Quả bơ giàu chất béo bão hòa đơn lành mạnh, chất xơ, vitamin và khoáng chất cũng là thực phẩm nên ăn khi bị ốm. Đặc biệt axit oleic trong quả bơ có thể giúp giảm viêm và tăng cường miễn dịch. Hơn nữa bơ mềm, vị nhạt rất dễ ăn.

- Các loại đậu giàu chất xơ giúp giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa chẳng hạn như đậu đen, đậu đỏ và đậu nành. Chúng cũng là nguồn cung cấp magie giúp giảm đau nhức cơ thể và cơ bắp khi ốm.

2. Không nên ăn gì khi bị ốm?

Ngoài những thực phẩm nên ăn khi bị ốm thì bạn cũng nên tránh các thực phẩm có thể khiến tình trạng ốm yếu của bạn nặng hơn và kéo dài thời gian hồi phục. Cụ thể:

- Thực phẩm và đồ uống có đường: Tiêu thụ đường quá mức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch của bạn và kéo dài thời gian hồi phục. Đặc biệt nếu bạn đang bị tiêu chảy, đau đầu, đau nửa đầu.

- Sản phẩm từ sữa nếu bạn đang bị nghẹt mũi: Có một quan niệm phổ biến rằng sản phẩm từ sữa có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghẹt mũi khi bạn ốm do chúng có thể làm tăng tiết chất nhầy trong mũi.

leftcenterrightdel
Không nên uống rượu bia khi bị ốm (Ảnh: Internet) 

- Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa hàm lượng muối và chất bảo quản cao, có thể tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể khi bị ốm.

- Rượu và các đồ uống có cồn, caffeine có thể làm cơ thể mất nước và làm giảm sức đề kháng, điều này có hại cho quá trình hồi phục của bạn khi bạn ốm. Hơn nữa, đồ uống có cồn và caffeine còn có thể khiến tình trạng đau nhức cơ thể và đau dạ dày trở nên trầm trọng hơn.

- Khoai tây chiên, các loại trái cây hay đồ uống giàu axit hay các loại hạt có thể là một lựa chọn không hợp lý nếu bạn đang bị đau họng vì chúng có thể gây kích ứng cổ họng.

3. Câu hỏi thường gặp

Nhìn chung thì việc nên ăn gì khi bị ốm hay không nên ăn gì khi bị ốm sẽ phụ thuộc vào căn bệnh và triệu chứng cụ thể mà bạn gặp phải. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp với các tình trạng ốm cụ thể mà bạn có thể tham khảo:

- Đau dạ dày hoặc buồn nôn nên ăn gì?

Chế độ ăn BRAT (chuối - cơm - sốt táo - bánh mì nướng) thường được khuyến nghị cho các trường hợp bị đau dạ dày. Nước gừng ấm có thể giúp làm dịu cơn buồn nôn.

- Có thực phẩm nào làm trầm trọng thêm triệu chứng cảm lạnh hay cúm không?

Có. Một số đồ uống chứa cồn và caffeine có thể khiến tình trạng nghẹt mũi và mất nước khi bị cúm hoặc cảm lạnh nghiêm trọng hơn.

- Có thực phẩm nào giúp hỗ trợ phục hồi nhanh sau khi bị cúm không?

Có. Thức ăn giàu chất dinh dưỡng như quả họ cam quýt, sữa chua và rau xanh có thể giúp hỗ trợ hệ miễn dịch của bạn trong giai đoạn phục hồi sau cúm.

- Bị cúm hay cảm lạnh có nên uống thực phẩm bổ sung?

Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn bổ sung bất kì loại thực phẩm chức năng nào. Việc bổ sung thực phẩm chức năng cần dựa trên đánh giá tình trạng cơ thể.

- Đau họng có nên uống mật ong không?

Có. Mật ong có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên và làm dịu cổ họng đang bị đau.

- Bị cúm nên ăn gì?

Đậu, cá béo và rau lá xanh có thể làm giảm viêm và giảm đau nhức cơ thể, một triệu chứng cúm thông thường. Điều quan trọng là bạn phải uống nhiều nước nếu bị cúm, vì vậy nước hầm và súp có thể là lựa chọn tối ưu cho bạn. Kẹo cứng và viên ngậm có thể làm giảm cơn ho khan và đau họng.

- Bị cảm, viêm họng nên ăn gì?

Nhiều loại thực phẩm và đồ uống làm giảm triệu chứng cúm cũng giúp giảm cảm lạnh và đau họng. Các chất lỏng ấm như nước dùng, súp và trà có thể làm giảm nghẹt mũi và giảm đau họng. Uống nhiều nước giúp làm loãng chất nhầy và giữ cho bạn đủ nước.

Tóm lại, khi bị ốm ngoài có chế độ dinh dưỡng phù hợp thì nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn. Mặc dù không có loại thực phẩm nào có thể giúp bạn chữa khỏi bệnh nhưng việc ăn đúng loại thực phẩm nên ăn khi bị ốm hay tránh ăn gì khi bị ốm đúng cách có thể giúp hỗ trợ hệ miễn dịch của bạn và giảm một số triệu chứng bệnh nhất định. Hãy thăm khám bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn bao gồm: tiêu chảy, sốt, buồn nôn và nôn mửa không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà.

Gặp bác sĩ nếu bạn bị:

- Đau bụng và đau tức ngực

- Không có khả năng giữ bất kì thức ăn hay đồ uống nào sau khi ăn

- Các triệu chứng cảm lạnh trở nên trầm trọng hơn hoặc không biến mất trong vòng 7 - 10 ngày

- Tiêu chảy nặng hơn và không đỡ sau 5 ngày ở người trưởng thành, 2 ngày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

- Chóng mặt, suy nhược cơ thể

- Không đi tiểu trong ít nhất 8 giờ

- Buồn nôn kéo dài hơn 48 giờ hoặc nôn mửa từ 3 lần trở lên trong một ngày

- Phân có mùi hôi tanh, có lẫn máu hoặc dịch nhầy

- Khó thở.

leftcenterrightdel
Ảnh: Kim Phụng 

Kim Phụng/Nguồn: Tổng hợp