1. Nguy cơ mất nước ở trẻ bị tiêu chảy

Theo các chuyên gia y tế, trẻ bị tiêu chảy thường có triệu chứng nôn ói nhiều, đau bụng, sốt, tiêu chảy… nên dễ dẫn đến mất nước. Nếu trẻ đi tiêu lỏng nhiều lần kèm nôn ói nhiều liên tục sẽ có nguy cơ mất nước nặng, rối loạn tri giác li bì, lơ mơ, rối loạn điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan, suy hô hấp, trụy mạch, co giật, hôn mê và tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Theo TS. BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, mất nước ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ, nếu không xử trí bù nước hợp lý, theo dõi sát có thể nguy hiểm tính mạng.

Đặc biệt ở những trẻ thừa cân, béo phì dấu hiệu mất nước nhiều khi khó phát hiện, không theo dõi, đánh giá kịp thời ảnh hưởng nhiều đến khả năng cấp cứu, điều trị khi trẻ mất nước rõ rệt. Khi trẻ có dấu hiệu mất nước cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh để mất nước nặng rất nguy hiểm.

 Dấu hiệu mất nước có thể gặp ở trẻ bao gồm: Đái ít, nước tiểu sẫm màu hơn bình thường; Mắt trũng; Khóc không có nước mắt; Kích thích, vật vã hoặc li bì; Trẻ khát, đòi uống nước, uống háo hức khi cho trẻ uống. Có những trẻ khóc, với tay theo cốc/thìa nước khi người nhà đưa cốc/thìa nước ra xa khỏi cháu khi đang cho cháu uống; Trẻ không uống được là mất nước rất nặng…
Trẻ bị tiêu chảy nên uống nước gì? - Ảnh 1.

Trẻ bị tiêu chảy nhiều có thể dẫn đến mất nước nặng. Ảnh minh họa

2. Bù nước cho trẻ như thế nào?

Hậu quả của tiêu chảy cấp là mất nước và điện giải, trường hợp nặng có thể gây tử vong. Do đó, dinh dưỡng cho bệnh nhân tiêu chảy có vai trò rất quan trọng góp phần rút ngắn quá trình điều trị.

Trẻ bị tiêu chảy cần có chế độ ăn uống hợp lý để cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể mà không gây tổn thương lên hệ tiêu hóa. Ưu tiên hàng đầu là bù nước và chất điện giải, cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải (oresol) pha và sử dụng theo đúng hướng dẫn.

Bệnh nhân bị tiêu chảy cần uống nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng dịch mất qua phân và nôn.

Về thức ăn, nên chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu như các loại cháo, súp… để trẻ dễ tiêu hóa và dễ hấp thu. Bổ sung thêm sữa chua vào chế độ ăn của trẻ.

Lưu ý: Cho trẻ uống nước hoặc oresol từng ngụm nhỏ, ít một, thường xuyên sau mỗi lần trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy. Uống nhiều nước một lúc sẽ càng làm dạ dày khó chịu, gây buồn nôn. Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa trong ngày. Trẻ ăn ít một sẽ dễ ăn, hạn chế nôn trớ và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh và cho ăn trở lại bình thường và ăn nhiều hơn khi trẻ hồi phục. Nếu trẻ không nôn trớ từ 12-24 giờ thì có thể cho trẻ ăn uống lại bình thường nhưng vẫn cho uống nhiều nước.

3. Một số loại nước tốt cho trẻ bị tiêu chảy

Trẻ bị tiêu chảy cần uống nhiều nước như: nước canh, nước cháo, nước trái cây (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước chín…

Có thể sử dụng nước gạo rang, nước cơm, nước cháo muối, nước cháo đường, nước hầm rau củ như cà rốt… rất tốt để bù nước và chất điện giải.

- Nước gạo rang muối: Dùng khoảng 50g gạo tẻ cho vào chảo rang cùng ít muối. Khi gạo chuyển sang màu vàng và có mùi thơm thì cho vào nồi, đổ nước, đun sôi kỹ rồi lọc lấy nước uống dần.

- Nước cháo muối: Dùng khoảng 50g gạo tẻ, một chút muối, cho vào nồi, thêm nước đun sôi khoảng 20-30 phút đến khi hạt gạo nở ra rồi gạn lấy nước uống.

- Nước cháo đường: Dùng khoảng 50g gạo tẻ, cho vào nồi, thêm nước, đun sôi khoảng 30 phút đến khi hạt gạo nở ra, thêm đường, quấy kỹ, gạn nước để nguội uống.

- Nước cà rốt: Dùng khoảng 50 cà rốt, rửa sạch, thái nhỏ, nấu chín rồi cho vào máy xay nhuyễn. Cho cà rốt đã xay vào nồi, thêm nước vừa đủ, thêm đường và muối, đun sôi lại, để nguội uống dần.

Nước dùng, nước hầm rau củ: Trong trường hợp trẻ buồn nôn, nôn nên cho trẻ dùng một số loại nước giúp làm dịu cơn buồn nôn như: nước dùng, nước luộc gà hoặc nước hầm rau củ…

Trẻ bị tiêu chảy nên uống nước gì? - Ảnh 5.

Nước hầm rau củ có thể làm dịu cơn buồn nôn.

4. Trẻ tiêu chảy không nên uống nước gì?

- Nước uống có đường: Thức ăn, đồ uống có nhiều đường có thể làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy ở trẻ. Một số chất làm ngọt nhân tạo thường có trong nước ngọt, soda ăn kiêng và chất thay thế đường có thể có tác dụng nhuận tràng. Chúng cũng có thể làm tăng khí và đầy hơi, không tốt cho người bệnh đang bị tiêu chảy.

- Nước có gas, đồ uống có chất kích thích: Nước có gas và cà phê không gây tiêu chảy nhưng chúng có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa. 

- Đối với những trường hợp trẻ có biểu hiện không dung nạp lactose nên hạn chế uống sữa và các sản phẩm từ sữa. Các sản phẩm từ sữa có chứa một loại đường gọi là lactose. Cơ thể chúng ta tiêu hóa đường lactose bằng một loại enzyme gọi là lactase. Tiêu chảy có thể làm cạn kiệt men lactase. Đường lactose không được tiêu hóa có thể làm tăng khí, đầy hơi, buồn nôn và tiêu chảy.

Theo suckhoedoisong.vn