Khi thời tiết chuyển lạnh của mùa thu, nhiều gia đình cảm thấy lo lắng khi cho trẻ ăn trái cây vì sợ sẽ bị lạnh, ảnh hưởng không tốt tới dạ dày.
So với đồ ăn tươi, thực phẩm đã nấu chín có thể mất một số vitamin không bền nhiệt. Tuy nhiên, có một số loại trái cây nếu đem nấu chín có thể giúp nuôi dưỡng dạ dày, giảm ho, làm ẩm phổi, nâng cao sức đề kháng cho trẻ, ngay cả người lớn cũng có thể sử dụng.
Lê luộc dưỡng phổi
Mùa thu là mùa tốt nhất để dưỡng phổi, ăn nhiều lê có thể làm ẩm phổi và thanh hỏa, dưỡng âm. Theo sách Bản thảo cương mục ghi lại: “Lê có thể làm ẩm phổi và trừ đờm, khử hỏa và trừ nhiệt, có thể kiểm soát ho và làm dịu cơn khát".
Ngoài ra, lê có vị ngọt thanh, nhiều nước, giòn nên nhiều trẻ thích ăn. Việc cho trẻ nhỏ ăn lê vào mùa đông rất có lợi.
Tuy nhiên, lê có tính lạnh, sau khi luộc lê thì tính lạnh giảm đi, có tác dụng làm khô ẩm, trừ hỏa tốt hơn. Một số người thích gọt bỏ vỏ lê khi nấu, điều này là không nên, vỏ lê là phần tốt nhất để giữ ẩm cho phổi và giảm ho.
Trước khi luộc lê nên rửa sạch, cắt thành từng miếng và luộc, có thể thêm ít đường phèn, nấu trong 10 phút. Cho trẻ ăn khi còn ấm.
Táo hấp ngừa tiêu chảy
Vào khoảng tháng 11 hàng năm là thời kỳ tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy cao, và táo hấp có thể giúp giảm các triệu chứng tiêu chảy. Táo có chứa axit tannic và pectin, axit tannic là chất làm se ruột, có thể làm giảm lượng nước trong phân, sau khi nấu chín, pectin còn có tác dụng làm se ruột và giảm tiêu chảy tốt hơn.
Vỏ táo cũng rất giàu axit tannic và pectin cũng được phân bố ở phần cùi gần vỏ, vì vậy không nên gọt vỏ táo khi hấp để tránh làm mất đi chất dinh dưỡng.
Với những trẻ nhỏ chưa ăn được táo cả miếng, cha mẹ có thể rửa sạch táo, gọt vỏ, cắt thành từng miếng cho vào nồi hấp chín. Sau khi để nguội bớt, dùng thìa nghiền nát. Món táo hấp nghiền nhuyễn rất thích hợp cho các bé ăn dặm.
Cam hấp để giảm ho
Hấp cam là cách chữa ho thông dụng nhất trong mùa thu, nhưng phương pháp này thích hợp với chứng ho nóng do khí trệ và huyết ứ hoặc phổi khô, chứ không thích hợp với chứng ho do ngoại cảm phong hàn.
Cách làm cụ thể là rửa sạch cam rồi ngâm nước muối loãng khoảng 20 phút. Dùng dao cắt bỏ một đầu của quả cam để tạo thành hình như chiếc cốc. Dùng đũa chọc vài lỗ trên phần thịt cam rồi đậy phần vỏ cam vừa cắt lên. Cho cam vào bát và hấp cách thủy trong vòng 15 phút, sau khi hấp chín thì bỏ vỏ cam ăn cùi, tốt nhất nên uống phần nước cốt dưới đáy bát.
Trà bưởi mật ong
Bưởi chứa nhiều nguyên tố vi lượng tự nhiên, ít calo và ít đường. Trong bưởi có rất nhiều nước, khoảng 80% là nước trên 100 gam, vào mùa đông hanh khô, bạn có thể cho trẻ ăn bưởi để bổ sung nước.
Nếu trẻ không thích bưởi vì có vị hơi đắng và chua, bạn có thể làm trà bưởi mật ong cho trẻ. Lưu ý không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.
Cách làm trà bưởi mật ong: Chuẩn bị 1 quả bưởi, 250 gam mật ong, 100 gam đường phèn, 5 gam muối. Rửa sạch bưởi và ngâm trong nước khoảng 60 độ trong 10 phút. Gọt vỏ bưởi và tách lấy phần cùi trắng, đem băm nhỏ, chần qua nước nóng trong 10 phút.
Sau đó cho vỏ và cùi bưởi vào nồi, đun trên lửa lớn, sau đó chuyển sang lửa nhỏ và đun đến khi keo lại. Khi nguội thì cho thêm mật ong và thêm nước để uống.
MINH MINH