Các nhà khoa học tại Đại học Đông Nam và Đại học Xizang Minzu (Trung Quốc) đã tiến hành đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp để điều tra tác động của tỏi đối với mỡ máu và mức đường huyết.

leftcenterrightdel
 Tốt nhất nên ăn mỗi ngày 1 - 2 tép tỏi sống

Các tác giả đã tìm kiếm dữ liệu từ 4 cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về tác dụng của tỏi đối với mức glucose và lipid trong máu.

Hai nhà nghiên cứu độc lập sau khi trích xuất dữ liệu, đã phân tích 22 tài liệu, bao gồm 29 thử nghiệm, với tổng cộng 1.567 người tham gia từ 11 quốc gia, bao gồm Canada, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Israel, Nga, Brazil, Đan Mạch... Những người tham gia có độ tuổi từ 18 đến 80 và thời gian can thiệp bằng tỏi kéo dài từ 3 tuần đến 1 năm.

Những người tham gia có nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau như mỡ máu cao, tiểu đường, bệnh động mạch vành, bệnh gan nhiễm mỡ, nhồi máu cơ tim, béo phì, huyết áp cao, hội chứng buồng trứng đa nang và một số là người khỏe mạnh.

Hầu hết người tham gia không sử dụng thuốc trong thời gian nghiên cứu, trong khi một số vẫn tiếp tục dùng thuốc hằng ngày. Các chế phẩm từ tỏi bao gồm bột, tỏi sống, dầu tỏi, chiết xuất và viên chất bổ sung, với liều lượng hằng ngày khác nhau.

 
leftcenterrightdel
 Bằng chứng từ 29 nghiên cứu đã chứng minh tỏi có tác dụng giảm cả đường huyết và cholesterol cao

Kết quả cho thấy tiêu thụ tỏi có hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết và mỡ máu, theo chuyên trang y tế News Medical.

Cụ thể, tiêu thụ tỏi giúp giảm đáng kể các chỉ số sau:

  • Đường huyết lúc đói.
  • Chỉ số đường huyết trung bình HbA1c.
  • Tổng mức cholesterol.
  • Mức cholesterol xấu LDL.
  • Cải thiện tích cực mức cholesterol tốt HDL.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng tỏi có tác dụng kiểm soát đường huyết và lipid máu.

Và tất cả các dạng tỏi, như tỏi sống, tỏi chiết xuất và viên bột tỏi, đều có hiệu quả.

Theo chuyên trang sức khỏe Healthline, tốt nhất nên ăn mỗi ngày 1 - 2 tép tỏi sống. Và để tối đa hóa lợi ích, nên cắt lát rồi để 10 phút trước khi ăn.

Theo Thanh niên