Đây là loại cây có nhiều tác dụng tốt, dùng được trong nhiều trường hợp bệnh ngoài da, sát khuẩn, tiêu viêm rất hiệu quả.

Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền, BV Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, trầu không có tên khác là trầu cay, trầu lương, thổ lâu đằngTên khoa học: Piper betle L. Họ: Hồ tiêu (Piperaceae)

Trầu không có nguồn gốc ở miền Trung và Đông Malaysia, được trồng từ 2500 năm trước, sau lan sang Madagasca và Đông Phi. Ở Trung Quốc, trầu không cũng được ghi chép từ đời nhà Tần 618-907 sau Công nguyên. Đến đầu thế kỷ 15, cây bắt đầu được đưa sang châu Âu. Ngày nay trầu không được trồng phổ biến khắp các nước nhiệt đới ở vùng Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Srilanca, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philipin, Việt Nam, Lào, Nam Trung Quốc và đảo Hải Nam.

Bộ phận dùng: lá thu hái quanh năm, dùng tươi, có thể dùng rễ.

Thành phần hóa học của trầu không:

Cây trầu không có chứa thành phần hóa học đa dạng, bao gồm:

- Tinh dầu thơm; Betel-phenol; Chavicol; Eugenol; Methyl eugenol; Allylcatechol;

- Cadinen; Tanin; Axit amin; Vitamin; p-cymen; Chavibetol

- Trong lá trầu không có 0,8-1,8%, có khi đến 2,4% tinh dầu tỷ trọng 0,958-1,057 thơm mùi creozot (củi đốt), vị nóng. Trong tinh dầu người ta đã xác định có hai chất phenol là betel-phenol (đồng phân với chất eugenol chavibetol C10H12O2 và chavicol), kèm theo một số hợp chất phenolic khác.

Tác dụng dược lý của trầu không: Cao chiết lá và tinh dầu trầu không có hoạt tính ức chế một số chủng vi khuẩn (in-vitro) như: tụ cầu vàng, phế cầu, Staphylococcus albus, Bacillus subtilis, liên cầu tan máu, Escherichia coli, Salmonella typhi… và các chủng nấm Candida albicans, C. stellatoides, Aspergillus niger… Hoạt tính diệt nấm có thể so sánh với resorenilol.

Theo Y học cổ truyền, trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, quy vào các kinh phế, tỳ, vị. Chúng có tác dụng trừ phong thấp, chống lạnh, hạ khí, tiêu đờm, tiêu viêm, sát trùng.

Ở Ấn Độ, lá và tinh dầu trầu không dùng điều trị các bệnh xuất tiết, bệnh phổi và làm thuốc đắp, thuốc súc miệng. Lá trầu không có trong thành phần của chế phẩm thuốc cổ truyền Ấn Độ cùng với một số dược liệu khác dùng để trị hen suyễn.

Một số bài thuốc có trầu không

- Chữa vết thương: Lá trầu không, lá thanh táo, lá cỏ răng cưa, lấy lượng bằng nhau. Tất cả đem giã nát rồi đắp lên vết thương. Hoặc để rửa vết thương: Lá trầu không tươi 40g, đem rửa sạch, đun với 2 lít nước sôi trong 15–20 phút, Để nguội, gạn lấy nước trong, thêm phèn phi 8g vào đánh tan rồi rửa.

- Chữa mụn nhọt: Lá trầu không, lá thồm lồm, hoa dâm bụt, lấy lượng bằng nhau. Giã nát tất cả rồi đắp lên da.

- Chữa tiểu gắt: Rễ trầu không (hoặc dùng thân, lá), rễ cau, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang, dùng vài ngày đến khi khỏi.

- Chữa sai khớp, bong gân: Lá trầu không 12g, nghệ già 20g, lá cúc tần, lá xạ can mỗi vị 12g. Giã nát, trộn với một ít giấm, bọc gạc rồi đắp lên chỗ sưng đau. Thay băng sau khoảng 2–3 ngày/lần. Cần có sự giám sát và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

- Chữa cảm mạo: dùng lá trầu không đánh gió, xát ở xương sống từ trên xuống dưới

- Chữa viêm họng: Lá bạc hà, húng quế, lá trầu không, mật ong và gừng. Đem các thảo dược rửa sạch và ép lấy nước. Sau đó trộn đều với mật ong và ngậm.

- Chữa các bệnh ngoài da như lở loét, côn trùng cắn, rôm sảy, chàm và hắc lào: 1 nắm lá trầu không. Rửa sạch nguyên liệu, sau đó giã nát lá trầu và hòa với nước sôi để nguội. Dùng nước để rửa và đắp vào vùng da bị tổn thương.

Trầu không nơi thôn quê là vị thuốc phổ biến, dễ tìm, lại chữa được nhiều bệnh. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng trầu không như một bài thuốc để trị bất cứ bệnh gì.

Theo suckhoedoisong.vn