1. Đặc điểm cây rau đắng đất

Rau đắng đất còn có tên gọi khác là rau đắng lá vòng, thốc hoa túc mễ thảo, mễ toái thảo. Rau đắng đất có tên khoa học là Glinus oppositifolius (L.) A. DC. Syn, Mollugo oppositifolia L.

Rau đắng đất phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, từ Ấn Độ đến Malaysia, Campuchia, Việt Nam và đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Ở Việt Nam, rau đắng đất phân bố dọc theo các tỉnh ven biển, từ Nam Định đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cây ưa sáng, thường mọc trên đất pha cát ở các ruộng hoang, các hố nông cạn nước về mùa khô, đôi khi thấy cả ở quanh làng, ven đường đi.

Do khả năng phân nhánh khỏe, nên cây thường mọc thành đám dày đặc, lấn át các loại cỏ khác. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.

Bộ phận dùng: Có thể sử dụng toàn cây rau đắng đất từ rễ, thân, lá hoa để làm một vị thuốc trong các bài thuốc dân gian. Ngoài công dụng chữa bệnh, loài cây này còn là một loại rau vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam, xuất hiện trong các bữa ăn dân dã.

Thành phần hóa học: Rau đắng đất chứa chủ yếu saponin và flavonoid. Từ lá các tác giả đã phân lập được spergulagenin A là một sapogenin triterpen.

Tác dụng dược lý: Rau đắng đất có tác dụng kiện vị, sát trùng, nhuận tràng.

Tính vi, công năng: Toàn cây rau đắng đất có vị đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiêu hóa, khai vị, lợi tiểu, nhuận gan, hạ nhiệt…

Trong nhân dân, rau đắng đất được dùng làm thuốc hạ sốt, chữa bệnh về gan, vàng da.

Theo Y học cổ truyền Việt Nam, cây rau đắng đất có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, giải độc, lợi tiểu, chỉ ngứa; dùng để điều trị các chứng bệnh về đường tiêu hóa như táo bón, kiết lỵ hoặc bệnh đường tiết niệu như đi tiểu buốt rắt, viêm bàng quang, sỏi thận, viêm thận gây phù nề.

Liều dùng của cây rau đắng đất20 - 30g/ngày dạng thuốc sắc, nếu dùng ngoài thì giã cây tươi để đắp.

leftcenterrightdel
 Rau đắng đất.

2. Một số bài thuốc chữa bệnh có rau đắng đất

Thanh gan, giải độc: Rau đắng đất 6g, nhân trần (bồ bồ) 6g, rau má 6g, dây khổ qua 6g, cỏ mực 8g, sài đất 6g, dành dành 6g, cỏ xước 6g, ké đầu ngựa 6g, rễ cỏ tranh 6g, muồng trâu 6g, cam thảo 2g. Sắc 01 thang/ngày hoặc tán bột, luyện thành viên uống.

Trị tiểu tiện ít và khó khăn: Rau đắng đất 16g, xa tiền tử 12g, sơn chi tử 8g, mộc thông 12g, tỳ giải 12g. Sắc uống 01 thang/ngày.

Trị tiểu tiện rắt, buốt: Rễ rau đắng đất 8g, hạt ké vông vang 8g, nhân trần 8g, thông thảo 4g, mộc thông 8g, xa tiền tử 8g, lá tre 8g, đăng tâm thảo 4g. Sắc 01 thang/ngày.

Trị viêm bàng quang cấp tính: Rau đắng đất 12g, bồ công anh 20g, hoàng cầm 12g, sài hồ 12g, hoạt thạch 12g, cù mạch 12g, mộc thông 6g. Sắc uống 01 thang/ngày.

Nếu có tiểu ra máu, gia sinh địa12g, sơn chi tử 12g, rễ cỏ tranh 12g (tất cả thán sao - sao đen).

leftcenterrightdel
 Rau đắng đất được sử dụng như một thảo dược trị nhiều bệnh.

Trị giun đũa ở trẻ em: Rau đắng đất tươi 100g, sắc uống trong ngày.

Trị ngứa hậu môn, ngứa âm hộ: Rau đắng đất tươi 200g, sắc lấy nước rửa, ngày 2 lần.

Trị mụn nhọt độc, quai bị sưng tấy đỏ đau: Rau đắng đất tươi dùng một nắm, rửa sạch, cho thêm chút muối ăn giã nát, đắp lên mụn nhọt, quai bị nhiều lần trong ngày.

Trị nhiệt miệng: Lấy một nắm rau đắng rửa sạch rồi giã lấy nước cốt ngậm trong miệng vài phút rồi nuốt từng chút một. Với trẻ em, có thể lấy đầu tăm bông thấm nước cốt cây rau đắng đất chấm lên vết loét cho bé.

Trị đau răng: Lấy cây rau đắng rửa sạch, sắc nước uống ngày 02 lần, uống trong khoảng 2 - 3 ngày sẽ thấy có hiệu quả.

3. Lưu ý cần thiết khi dùng rau đắng đất

Rau đắng đất được chế biến thành các món ăn, cũng được sử dụng giúp điều trị một số bệnh lý với nhiều công dụng nhưng vẫn cần lưu ý tham khảo ý kiến từ các bác sĩ hoặc y sĩ y học cổ truyền để có thể sử dụng đúng liều lượng, an toàn, hiệu quả hơn.

Không nên lạm dụng rau đắng đất, nhất là các trường hợp có vấn đề về chức năng gan thận nên thận trọng khi sử dụng để tránh gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

Theo suckhoedoisong.vn