|
|
Cà tím có tác dụng phòng bệnh ung thư, tim mạch. |
Tác dụng của cà tím
BS CKI. Nguyễn Trần Như Thủy – Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết cà tím là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Cà tím có tên khoa học là Solaum melongena L, thuộc họ cà (Solanaceae), cùng họ với cà chua, khoai tây và hồ tiêu. Cây cà tím được trồng khắp Đông Bắc Ấn Độ và vùng Tây Nam Trung Quốc từ hơn 1.500 năm trước. Đây cũng là loài cây bản địa được trồng nhiều ở Myanmar, Bắc Thái Lan và Việt Nam.
Cà tím là một trong những loại nông sản có sản lượng lớn nhất thế giới. Ở Ấn Độ, chúng được xem là “vua của các loại rau”. Còn theo phong tục một số nơi ở Trung Quốc, các cô dâu khi về nhà chồng phải biết nấu ít nhất 12 món ăn từ cà tím. Điều này được xem như một loại “của hồi môn” của cô dâu mới cưới.
Theo báo cáo của một nghiên cứu được đăng tải trên NCBI, khi được tiêm 10 ml nước ép cà tím mỗi ngày trong bốn tuần cho những con thỏ có lượng cholesterol cao, nồng độ cholesterol LDL và triglyceride đã giảm đáng kể. Đây là hai chất có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Cà tím còn có tác dụng phòng ngừa bệnh ung thư. Chất chống oxy hóa trong cà tím giúp bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi sự tổn hại của các gốc tự do giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính và ung thư.
BS Thủy cho biết trong thịt quả cà tím chứa nhiều các loại vitamin như A, C, các vitamin nhóm B và nhiều khoảng chất vi lượng như K, Mg, Fe, Zn, Ca, Mn. Nhờ nguồn axit folic (vitamin B9) và sắt vi lượng dồi dào, cà tím giúp hỗ trợ quá trình tạo hồng cầu và ngăn ngừa thiếu máu, tốt cho thai phụ.
Chứa nhiều Kali, cà tím giúp ổn định nhịp tim, Flavonoid có tác dụng giảm lượng LDL-c, tăng HDL-c, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Ngoài ra, Magiê và Canxi cùng với vitamin A và C trong cà tím có tác dụng cải thiện cấu trúc xương giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm cảm giác bồn chồn, lo lắng, cải thiện tình trạng giấc ngủ, làm đẹp da, ngăn ngừa tàn nhang.
Lượng nước chiếm 92% đến 94% và rất giàu chất xơ thực vật, cà tím có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón, ngăn ngừa hình thành chất béo trong cơ thể, làm tăng cảm giác no lâu hơn, giảm sự thèm ăn, giúp hỗ trợ giảm cân và duy trì cân nặng.
Ngoài ra, theo bác sĩ Thủy, lớp vỏ màu tím có chứa nhiều vitamin B, C và lượng lớn Anthocyanidin.
Trong Đông y, cà có vị ngọt tính hàn, hơi độc. Tác dụng mát gan, lợi mật, nhuận tràng, thường được khuyên dùng cho người bị nhiệt chứng, khô đắng miệng, hoặc táo bón.
Tuy nhiên người thể trạng hư nhược, các bệnh thuộc hàn chứng, trẻ nhỏ thì nên hạn chế ăn cà tím. Cách sử dụng: cà tím được chế biến đa dạng như nướng, xào, dồn thịt chiên hay làm các món salad hoặc có thể dùng đắp mặt để làm đẹp da.
Lưu ý khi dùng cà tím
Cà tím tốt, giàu dưỡng chất nhưng theo BS Thủy, chúng ta cũng không nên ăn quá nhiều cà tím, dù là ăn sống, nước ép hay cà tím đã qua chế biến chỉ ăn khoảng 200gram/lần, 2-3 bữa/tuần. Vì trong cà tím có chứa Solanine là một chất vị đắng và có độc với cơ thể, ngoài ra cà tím còn chứa một lượng Nicotine cao hơn bất kỳ loại trái khác.
Cách dùng đúng là nên ngâm cà tím với một ít dấm hoặc muối trước khi chế biến hoặc dùng chanh và nên ăn kèm đa dạng các món khác để làm giảm hoạt tính của các chất này.
Những người có tiền căn dị ứng, hen suyễn, cơ địa dễ tạo sỏi thận thì nên hạn chế sử dụng do trong cà tím còn có chứa một lượng Oxalate có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi, chứa một số hoạt chất tác dụng như Histamin gây ra tình trạng ngứa viêm miệng và tăng mẫn cảm.
BS Thủy cũng lưu ý không nên ăn cà tím kèm các loại thức ăn có tính hàn khác như cua ghẹ, hải sản, thịt vịt, ngan, ếch, ốc,…
Khi chế biến, nên ăn cà tím luôn vỏ để tận dụng được nguồn dinh dưỡng. Lúc nấu cà tím, bạn nên dùng nhiệt ở mức vừa, nhiệt độ quá cao hoặc việc chiên với nhiều dầu sẽ làm giảm 50% giá trị dinh dưỡng của cà tím.
Theo infonet.vietnamnet