Khi Nicko Aleksiev, 29 tuổi, đến Pháp vào năm 2011, anh không bao giờ nghĩ mình sẽ quay trở lại sống ở Bulgaria.
Nhưng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Aleksiev phải nghỉ việc. Và giống như hàng chục nghìn công nhân nước ngoài khác ở Tây Âu, anh về nước vào tháng 6/2020. Giờ đây, sau hơn một năm sinh sống, anh đã có một công việc ở thủ đô Sofia và không còn ý định ra nước ngoài.
Sau nhiều thập kỷ chứng kiến dòng người di cư ồ ạt từ các nước Đông Âu sang Tây Âu, xu hướng này đang có dấu hiệu đảo ngược ở “lục địa già", theo Wall Street Journal.
Cơ hội cho các nước Đông Âu
Tại Estonia, số lượng người trở về nước đã nhiều hơn so với người di cư kể từ năm 2017. Tương tự, Ba Lan ghi nhận số người nhập cư lớn hơn người di cư kể từ năm 2016. Và xu hướng này đã tăng tốc trong thời gian xảy ra đại dịch.
Lithuania, quốc gia đã mất 1/4 công dân kể từ năm 1990, cũng chứng kiến sự tăng nhẹ về dân số vào năm ngoái, do Covid-19 ngăn chặn làn sóng di cư.
Thế nhưng, không nơi nào có sự thay đổi ngoạn mục hơn Bulgaria. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, trước đại dịch, Bulgaria là quốc gia có tốc độ dân số giảm nhanh thứ hai thế giới, chỉ sau Lithuania. Dân số nước này đã giảm từ gần 9 triệu người vào cuối những năm 1980 xuống còn khoảng 7 triệu người ngày nay.
|
Dân số Bulgaria đã giảm từ gần 9 triệu người vào cuối những năm 1980 xuống còn khoảng 7 triệu người ngày nay. Ảnh:Wall Street Journal.
|
Tuy nhiên, vào năm 2020, lần đầu tiên tỷ lệ di cư đã đạt mức tăng trưởng dương trong hơn một thập kỷ. Khoảng 30.000 người đã chuyển đến Bulgaria, nhiều hơn so với số người rời khỏi đất nước vào năm 2020. Phần lớn họ là những công dân Bulgaria quay trở về nước.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu những người trở về đó có ở lại hay không. Câu trả lời sẽ có ý nghĩa lớn đối với cả hai bên Tây - Đông Âu.
Các nước Tây Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, với nhiều công việc thường do người nước ngoài đảm nhiệm. Trong khi đó, ở các quốc gia Đông Âu như Bulgaria, những người di cư trở về sẽ là nguồn lợi to lớn, đóng góp cho nền kinh tế vốn bị “chảy máu chất xám" và mất đi một thế hệ lao động trẻ, có tay nghề cao.
Ognyan Georgiev, một thành viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu đã thực hiện nghiên cứu về làn sóng di cư. Kết quả cho thấy, năm 2020, hàng chục nghìn người Bulgaria, từng sống nhiều năm ở nước ngoài, đã trở về quê hương trong thời gian xảy ra đại dịch.
“Một số lượng đáng kể có thể ở lại”, ông nói về những người trở về. “Đó thực sự là một động lực kinh tế, không chỉ cho Bulgaria, mà cả các nước như Romania và Ba Lan. Ngày càng có nhiều người nhận thức rằng họ có thể có cuộc sống chất lượng khi trở lại Đông Âu”.
Khi Aleksiev trở lại thủ đô Sofia vào năm ngoái, anh nghĩ rằng việc này có thể chỉ là tạm thời. Nhưng sau đó, anh nhanh chóng quyết định không chuyển ra nước ngoài nữa.
|
Nicko Aleksiev trở lại Bulgaria vào năm 2020. Ảnh:Nicko Aleksiev.
|
Mặc dù chỉ kiếm được khoảng một nửa số tiền so với hồi làm tại sân bay ở Nice, Pháp, Aleksiev cho biết chi phí sinh hoạt rẻ hơn ở Sofia giúp chất lượng cuộc sống của anh được nâng cao.
Hiện anh sống ở trung tâm thành phố, và đi ăn nhà hàng thường xuyên hơn so với hồi ở Pháp. Văn phòng của anh tại Telus International thậm chí có một phòng tập thể dục riêng với tầm nhìn 360 độ ra toàn thành phố.
“Sofia làm tôi ngạc nhiên”, Aleksiev nói. "Nó mang lại rất nhiều cơ hội, thậm chí chất lượng cuộc sống còn tốt hơn một số thành phố phương Tây".
Vẫn còn là thách thức
Dù vậy, theo Wall Street Journal, nhìn chung, chất lượng cuộc sống ở Bulgaria vẫn thua xa hầu hết quốc gia châu Âu khác. Đây là nước nghèo nhất trong Liên minh châu Âu (EU) và sự mất lòng tin vào thể chế chính phủ đang lan rộng.
Magdalena Kostova, một nhà nhân khẩu học tại Viện Thống kê Quốc gia Bulgaria, cho biết bà nghi ngờ khả năng ở lại lâu dài của những người mới về nước. Theo bà, cơ hội phát triển kinh tế, giáo dục và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản ở Bulgaria vẫn kém xa nhiều nơi khác ở châu Âu.
“Điều kiện sống đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu diễn ra ở thủ đô Sofia”, bà Kostova nói. "Điều này không được thấy ở những nơi khác của đất nước".
Ở tây bắc Bulgaria, khu vực dân cư đông đúc nhất, nhiều ngôi làng đã trở thành thị trấn ma.
Với hy vọng thu hút doanh nghiệp đến khu vực này, EU đã tài trợ xây dựng các tuyến đường mới, cầu và đường sắt. Nhưng ngay cả khi các nhà máy được thành lập, nhiều công việc đã được tự động hóa. Điều đó có nghĩa người dân trong khu vực vẫn không được đảm bảo việc làm.
Là một phần trong dòng người di cư ồ ạt khỏi tỉnh Vratsa, phía tây bắc Bulgaria, Ivaylo Ivanov đã trở thành đầu bếp bánh ngọt trên tàu du lịch nước ngoài. Kể từ năm 2005, anh thường chỉ ở nhà vài tháng mỗi năm. Nơi anh sống đã mất gần 40% dân số chỉ trong hai thập kỷ.
Nhưng khi ngành du lịch đóng cửa vào mùa xuân năm 2020, Ivanov bị mắc kẹt ở Vratsa. Anh tìm được một công việc mới là chuyển phát nhanh, nhưng số tiền lương ít ỏi chỉ bằng 1/4 những gì anh kiếm được khi làm trên tàu. Ivaylo Ivanov bắt đầu rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Vào tháng 3, anh lại rời khỏi đất nước và hiện làm việc tại một khách sạn ở Đức. Mặc dù anh muốn ở lại Bulgaria - nơi anh sở hữu một ngôi nhà và có thể dành thời gian cho hai con - Ivanov không có lựa chọn nào vì kinh tế eo hẹp.
“Mức lương ở Bulgaria là một thảm họa”, Ivanov nói. "Chủ sở hữu của bất cứ doanh nghiệp thành công nào cũng đối xử với người làm như nô lệ".
|
Các khu dân cư cũ ở thị trấn Bobov Dol, Bulgaria. Ảnh:Nicko Aleksiev.
|
Trong bối cảnh đó, cơ hội việc làm ở Tây Âu ngày càng hấp dẫn hơn đối với người dân các nước Đông Âu. Các nền kinh tế lớn nhất “lục địa già” đang khát lao động hơn bao giờ hết.
Đức đang có hơn một triệu việc làm bỏ trống sau khi lượng người nhập cư giảm mạnh. Giới chức nước này cho biết họ muốn thu hút khoảng 400.000 lao động có tay nghề cao từ nước ngoài mỗi năm. Bỉ, Hà Lan, Áo và Anh cũng đều phá vỡ kỷ lục tuyển dụng lao động trong năm nay.
Gần đây, Lithuania công bố số liệu thống kê hàng tháng, cho thấy số lượng người di cư bắt đầu tăng đột biến vào tháng 8. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron một lần nữa khiến hoạt động di chuyển lao động quốc tế bị gián đoán.
Atanas Pekanov, cựu phó thủ tướng Bulgaria, cho biết đại dịch đã tạo cơ hội cho quốc gia này. Ông nhận định người ở lại Bulgaria càng lâu thì sẽ càng có nhiều khả năng ở lại lâu dài.
"Họ ngày càng quen với việc ở đây", ông nói.
Theo Zing