Hàng nghìn người Tamil xin hưởng quy chế tị nạn ở Australia đang theo dõi sát sao trường hợp gia đình bé Tharnicaa và Kopika. Cả nhà 4 người họ đang bị giữ ở đảo Christmas, cách 1.500 km về phía tây Australia, và có nguy cơ bị trục xuất về Sri Lanka do bị xem là nhập cư trái phép bằng đường biển, theo CNN.
Có một gia đình người Tamil ở Australia
Anh Nades Murugappans và chị Priya không quen biết nhau khi vừa đến Australia trên những con thuyền chở người tị nạn hồi năm 2012. Cặp đôi kết hôn vào năm 2014, trước khi chuyển đến sinh sống ở thị trấn Biloela, Queensland, Australia, để chờ xin cấp quy chế tị nạn.
Cả hai nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng địa phương. Anh Nades tìm được một công việc ở lò mổ, trong khi chị Priya bán cà ri tại một bệnh viện ở địa phương. Căp đôi có 2 người con gái, Tharnicaa và Kopika.
Những người hàng xóm biết gia đình Murugappans gặp “vấn đề về thị thực”, nhưng không ai nghĩ đến việc họ đột nhiên biến mất khỏi thị trấn này vào tháng 3/2018, khi chị Priya không đến một buổi vật lý trị liệu ở bệnh viện. Lúc này, cô bé Tharnicaa, chỉ mới 8 tháng tuổi.
Ông Bronwyn Dendle, một người bạn của gia đình, chia sẻ: “Mọi người trong thị trấn bàng hoàng khi phát hiện gia đình bị đột kích và buộc lên máy bay để đến trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép ở Melbourne, cách thị trấn Biloela hơn 1.800 km”.
Anh Nades và chị Priya, người Tamil ở Sri Lanka, kết hôn năm 2014 sau khi tị nạn đến Australia. Ảnh: CNN.
Tháng 8/2019, sau khi hay tin gia đình Murugappans đang trên đường trở lại Sri Lanka, nhiều người ủng hộ chạy đến sân bay để chặn máy bay, nhưng không kịp.
May thay, một thẩm phán ban hành lệnh buộc máy bay phải hạ cánh xuống thành phố Darwin, Australia. Sau đó, họ bị chuyển đến một trung tâm trên đảo Christmas, Australia.
Đối mặt áp lực từ dư luận, ông Alex Hawke, Bộ trưởng Bộ Di trú Australia, khẳng định Australia không có nghĩa vụ phải bảo vệ gia đình này. "Sri Lanka đã an toàn và họ phải về Sri Lanka như nhiều người khác. Đây là chính sách của chính phủ Australia”.
Trên đảo Christmas, gia đình Murugappans sống trong một tòa nhà được bao quanh bởi hàng rào dây kẽm. Cô bé Kopika đến trường học địa phương mỗi ngày dưới sự giám sát của các bảo vệ.
Tương lai vô định
Gia đình Murugappans là một trong số hàng nghìn người Tamil xin tị nạn ở Australia buộc phải trở về Sri Lanka. Người Sri Lanka là cộng đồng lớn nhất đang tìm cách xin được cấp quy chế tị nạn thông qua Cơ quan Đánh giá Nhập cư (IAA) của Australia.
Kể từ năm 2015 đến nay, giới chức Australia tiếp nhận hơn 12.500 hồ sơ xin xem xét lại việc cấp quy chế tị nạn cho người Sri Lanka, và IAA đã từ chối 93% trong số đó.
Bà Sarah Dale, giám đốc và luật sư chính của Dịch vụ Tư vấn Người tị nạn & Casework, cho biết: “Australia xem xét các hồ sơ xin tị nạn của người Tamil với mức độ kỹ lưỡng và thái độ tiêu cực hơn rất nhiều so với các quốc gia khác”.
Hầu hết sinh nhật của bé Tharnicaa, 4 tuổi, là ở trong những khu trại cho người nhập cư trái phép ở Australia. Bé đang được điều trị tại một bệnh viện ở Perth. Ảnh: CNN.
Các nhân viên nhập cư Australia cho rằng họ sử dụng báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNOCHR) để đánh giá hồ sơ xin tị nạn.
Tuy nhiên, các nhóm hoạt động lại cho rằng giới chức chỉ sử dụng báo cáo do Bộ Ngoại vụ và Thương mại Australia (DFAT) đưa ra vào năm 2019.
Báo cáo dài 73 trang của DFAT cho biết những cáo buộc về tra tấn của chính phủ Sri Lanka nhằm vào cộng đồng thiểu số Tamil “là không thể xác minh được, và nếu xảy ra cũng ở mức nguy cơ thấp”. Nguy cơ bị ngược đãi trong tù ở mức độ “tương đối” và “ ở mức thấp” đối với hành vi tra tấn.
Ông Rawan Arraf, giám đốc điều hành Trung tâm Công lý Quốc tế Australia, quan ngại đối với báo cáo của DFAT vào năm 2020.
Vào tháng 5/2021, một tòa án ở Anh cũng cho biết độ tin cậy của báo cáo DFAT là "khó đánh giá" vì không ai được nêu tên và không có trích dẫn trực tiếp. Mặc dù trước đó, DFAT khẳng định báo cáo đưa ra sau khi đã "nghiên cứu kỹ lưỡng và tham vấn sâu rộng của các bên".
Chuyện gì xảy ra ở Sri Lanka?
Nội chiến Sri Lanka kết thúc vào năm 2009 khi chính phủ tiến hành cuộc tấn công cuối cùng nhằm vào chiến binh ly khai thuộc Tổ chức Những con hổ Giải phóng Tamil Eelam (LTTE). Sự kiện khiến hơn 40.000 thường dân thiệt mạng.
Sau cuộc nội chiến, một chính quyền mới được thành lập. Trong đó, ông Gotabaya Rajapaksa trở thành tổng thống, và người em, Mahinda Rajapaksa, giữ chức vụ thủ tướng. Hai anh em nhà Rajapaksa bổ nhiệm lại các nhân vật chủ chốt trong chính quyền cũ.
Tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Gunawardena bác bỏ hoàn toàn cáo buộc của một cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc vì trích dẫn "số liệu thống kê không có cơ sở và đưa thông tin sai lệch" về tình hình cuộc sống người Tamil.
Bà Rebecca Lim, một cựu nhân viên nhập cư và đồng sáng lập Nhóm Hỗ trợ Người tị nạn tại Brisbane, Australia cho biết: “Rất nhiều người Tamil lo sợ sẽ chung số phận như gia đình Murugappans ở thị trấn Biloela. Họ thực sự không biết tương lai của họ sẽ ra sao”.
“Những gia đình đều sợ hãi khi quay trở lại Sri Lanka. Họ sợ hãi vì sự an toàn của chính họ và con gái họ”, bà Lim cho biết thêm.
Người dân Australia biểu tình ủng hộ gia đình Murugappans. Ảnh: CNN.
Chính sách nhập cư "cứng rắn" của Australia thành công trong việc ngăn chặn các con thuyền chở đầy người tị nạn từ Sri Lanka, nhưng lại khiến hàng nghìn người tị nạn khổ sở.
Có người bị giam giữ nhiều năm trên các hòn đảo tách biệt, trong khi một số khác vẫn bị nhốt ở các trung tâm giam giữ người nhập cư với rất ít triển vọng được tự do.
Đối với vợ chồng Murugappans, vào ngày 15/6, họ đã phải bay từ đảo Christmas đến Perth để chăm sóc bé Tharnicaa, đang điều trị viêm phổi và nhiễm trùng máu tại bệnh viện ở đây.
Sự việc một lần nữa khiến giới báo chí Australia lên tiếng kêu gọi giới chức Australia cho phép gia đình này ở lại nước này. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Australia để kêu gọi giới chức cho phép gia đình này về "nhà ở Bilo".
Ông Alex Hawke, Bộ trưởng Bộ Di trú Australia, cho biết sẽ xem xét đơn xin tị nạn của gia đình Murugappans. Trong khi đó, họ vẫn phải bị giữ ở Perth.
Điều này có nghĩa, gia đình Murugappans phải sống tại một địa điểm được chỉ định, không được di chuyển đến các bang khác. Họ vẫn được chăm sóc y tế, nhưng không được kiếm việc làm.
Trong một tin nhắn video đăng tải ngày 18/6, chị Priya nói: "Cảm ơn mọi người vì đã ủng hộ gia đình tôi".
Theo Zing