Sinh viên trường ĐH Văn Hiến đặt câu hỏi tại hội thảo

Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài” do Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) và báo Tiền Phong tổ chức tại TP HCM vào ngày 13.11.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nay, có khoảng 500 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, thu nhập hàng năm của NLĐ khoảng 2 tỉ USD.

Tồn tại của lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài là kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật thấp, bỏ hợp đồng trốn ra ngoài… ảnh hưởng đến uy tín của lao động Việt Nam.

Theo các đại biểu tham dự hội thảo, để nâng cao chất lượng nguồn lao động cần có sự phối hợp ít nhất từ 4 phía: Cơ quan quản lý nhà nước, DN cung ứng lao động, trường học và chính NLĐ.

Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang triển khai các giải pháp như tạo nguồn lao động trình độ cao, mở rộng thị trường tiếp nhận lao động trình độ cao; Kết nối DN xuất khẩu lao động với các trường nghề để tuyển chọn và đào tạo lao động; Giám sát chặt chẽ công tác tuyển chọn, đào tạo lao động của các DN.

Về phía DN, bà Dương Thị Thu Cúc – Tổng giám đốc Cty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn, chia sẻ: Để nâng cao chất lượng, DN phải chú trọng chất lượng tuyển chọn đầu vào, cần tư vấn cụ thể, rõ ràng cho NLĐ về công việc, thu nhập, thách thức, áp lực gặp phải khi làm việc… để NLĐ hiểu rõ. DN phân khúc thị trường lao động để tuyển chọn đối tượng cho phù hợp. Và ở bất kỳ phân khúc nào, NLĐ cũng phải hiểu rõ công việc của mình, có tác phong tích cực, khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ của nước đến làm việc…

Ths Phạm Thái Sơn (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM) cho rằng, quan tâm đến lao động về nước cũng là cách nâng cao chất lượng lao động. Ông Sơn viện dẫn số liệu của Viên Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách công bố về chương trình thực tập sinh (TTS) Nhật Bản thì có đến 61% TTS sau khi trở về Việt Nam đã làm những công việc không liên quan đến việc đã làm ở Nhật Bản. Nếu trước khi sang Nhật, tỉ lệ người thất nghiệp trong số thực tập sinh là 5,26% thì sau khi trở về tỉ lệ này tăng lên 11,4%. Trong khi DN Nhật Bản vẫn “khát” nhân lực.

“Tạo việc làm cho NLĐ khi họ trở về nước với thu nhập tốt, công việc phù hợp với kỹ năng họ được học hỏi ở Nhật Bản cũng chính là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề lao động bỏ trốn”, ông Sơn nói.

Theo Lao động