leftcenterrightdel
Lao động nước ngoài được tập huấn kỹ trước khi bắt tay vào làm việc chính thức tại Hàn Quốc 

Gần đây, nhu cầu ra nước ngoài làm việc của người lao động (NLĐ) Việt Nam ở những thị trường có mức thu nhập cao tăng mạnh. Đây cũng là nguồn gốc của những đường dây quảng bá, dẫn dụ đưa NLĐ sang những nước trên làm việc bất hợp pháp, có dấu hiệu lừa đảo.Xử lý nhiều vụ việc

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), gần đây xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu ra nước ngoài làm việc của NLĐ đã lôi kéo, dụ dỗ di cư trái phép sang nước khác, làm xấu hình ảnh NLĐ Việt Nam, khiến quá trình đàm phán hợp tác lao động giữa Việt Nam với các nước gặp khó khăn.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Lê Phúc Thịnh (SN 1993; ngụ ấp Nhàn Dân A, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) để điều tra hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo điều tra, từ đầu năm 2023, đối tượng Lê Phúc Thịnh lấy danh nghĩa nhân viên tuyển dụng của một công ty có địa chỉ tại tỉnh Cà Mau để thuyết phục 10 người có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc. Sau khi nhận hơn 800 triệu đồng của các nạn nhân, Thịnh không thực hiện như cam kết, chiếm đoạt số tiền đã nhận trái phép.

Cũng với hành vi tương tự, Công an tỉnh Nghệ An cũng vừa thi hành quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thị Hằng Nga (SN 1984; trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) để điều tra hành vi lừa đảo. Dù không có chức năng xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng Nga vẫn giới thiệu mình là giám đốc một công ty đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Nga cam kết đưa NLĐ sang các nước như Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Canada, Mỹ… làm việc với mức giá rẻ hơn những nơi khác từ 200 - 300 triệu đồng. Bước đầu, cơ quan công an xác định Nga đã tiếp nhận hơn 500 hồ sơ của NLĐ từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và nhận tổng số tiền hơn 20 tỉ đồng.

Tương tự, hơn 100 người dân ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa bị đối tượng Trần Thị Thủy lừa khi đưa ra thông tin gian dối về cơ hội việc làm tại Hàn Quốc. Mỗi người nộp cho Thủy từ 15 - 50 triệu đồng. Tổng số tiền Thủy nhận của các nạn nhân khoảng 4 tỉ đồng, sau đó bỏ trốn khỏi địa phương, chặn mọi liên lạc.

Nhiều vụ việc khác cũng đang được các cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ, truy tố và xử lý. Bộ LĐ-TB-XH liên tục có công văn yêu cầu các doanh nghiệp (DN) dịch vụ nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, đẩy mạnh đào tạo, định hướng cho NLĐ có đầy đủ yêu cầu về ngoại ngữ, sức khỏe và chuyên môn tay nghề trước khi xuất cảnh.

Tỉnh táo để không mất tiền

Ông Nguyễn Như Tuấn, Phó trưởng Phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết hiện tượng lừa đảo XKLĐ có dấu hiệu gia tăng. Các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nhưng đã sử dụng các website khá giống với những DN dịch vụ uy tín có giấy phép, sử dụng các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram... để tìm kiếm NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ. Họ cũng sử dụng các mối quan hệ cá nhân, quan hệ xã hội về tận các vùng quê xa xôi để lôi kéo NLĐ.

Các đối tượng lừa đảo xây dựng website, hình ảnh chuyên nghiệp, đăng tải nhiều thông tin đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Romania, Ba Lan, Úc, New Zealand, Philippines, CHLB Đức, Hy Lạp… với mức phí thấp, không phải học tiếng hoặc học rất ít, bay nhanh, không đóng cọc, đến khi xong mới nhận phí... "Thực tế khi nộp hồ sơ, đối tượng lừa đảo bằng nhiều cách sẽ kêu NLĐ đóng phí giữ chỗ, rồi phí khám sức khỏe, phí visa, công chứng giấy tờ, phí luật sư… Sau đó bọn chúng làm giả những giấy tờ bằng tiếng nước ngoài để NLĐ không hiểu rồi tiếp tục kêu đóng tiền để bay. Cứ như vậy, bọn chúng lừa NLĐ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng" - ông Tuấn nói.

Những thông tin liên quan các hoạt động XKLĐ, các chương trình, thị trường… được đăng tải liên tục trên những phương tiện thông tin đại chúng và trên cổng thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Theo ông Tuấn, những chương trình XKLĐ cũng được gửi bằng văn bản về sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành, các ban, ngành để nắm và triển khai. Bộ LĐ-TB-XH cũng liên tục cảnh báo đến NLĐ nhằm tránh các chiêu trò lừa đảo. Tất cả DN được cấp phép, thậm chí các DN bị tước giấy phép, cũng được đăng tải đầy đủ. Do đó, NLĐ phải đến các phòng LĐ-TB-XH quận, huyện hoặc các tỉnh, thành thì không bao giờ bị lừa.

Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm - Trưởng Văn phòng Luật sư Đắc Nhân Tâm, thuộc Đoàn Luật sư TP HCM, cũng như những hình thức lừa đảo trực tuyến khác, các đối tượng sẽ dẫn dụ NLĐ vào những nhóm kín trên Telegram, Zalo rồi dùng chính người của mình cài cắm đóng giả NLĐ để hối thúc "con mồi" đóng tiền. Nhiều người sau khi đóng tiền đã bị đẩy ra khỏi nhóm, xóa mọi dấu vết, rất khó truy tìm. Tài khoản đóng tiền đa số nằm ở nước ngoài gây khó khăn trong công tác truy vấn, thu hồi. 

NLĐ cần tư vấn, cung cấp thêm thông tin hoặc phản ánh thông tin về các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, đề nghị liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 0243.8.249.517 (máy lẻ 512 và 513).

Theo  nld