leftcenterrightdel
 Lao động nước ngoài làm việc tại một trang trại ở Úc

Số liệu của Cục Thống kê Úc hôm 13-4 cho thấy các nhà tuyển dụng nước này đã bổ sung 53.000 vị trí việc làm toàn thời gian trong tháng 3-2023 - nhiều hơn gấp đôi so với con số 20.000 mà các nhà kinh tế dự báo.

Đủ kiểu "giăng bẫy"

Tỉ lệ thất nghiệp tại Úc vẫn giữ ở mức 3,5%, thấp nhất trong 50 năm qua. Cục Thống kê Úc nhận định sức mạnh của thị trường lao động là một trong những yếu tố chính giúp nền kinh tế nước này có thể tránh được suy thoái khi tỉ lệ thất nghiệp sẽ giữ ở mức 3,5% -3,6% cho đến giữa năm 2023.

Tăng trưởng việc làm diễn ra mạnh mẽ khiến cơn sốt việc làm tại xứ sở chuột túi đang nóng hơn bao giờ hết. Trên các mạng xã hội, thông tin về việc làm tại Úc xuất hiện ngày càng nhiều và phần lớn nội dung không được kiểm soát, mang yếu tố cá nhân nhiều hơn là doanh nghiệp dịch vụ.

Một số tài khoản TikTok cập nhật liên tục các loại visa có thể sang Úc làm việc, điều kiện xét duyệt visa và mời những ai quan tâm tham gia các nhóm trên Zalo, Telegram… để thảo luận. Bên cạnh đó, nhiều người còn lấy các video đăng lại để thu hút thêm người học tiếng Anh, luyện thi các chứng chỉ để đủ điều kiện sang Úc làm việc.

Chị Trần Thị Bích Thủy (quê Gia Lai) cho biết đã mất 50 triệu đồng chỉ vì tin lời tư vấn của một tài khoản TikTok tự nhận là nhân viên một công ty dịch vụ di trú được Chính phủ Úc cấp phép. Chị Thủy tìm hiểu cơ hội sang Úc làm việc khi biết thông tin nước này sẽ cấp visa cho lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (visa 403). Tuy nhiên, chờ mãi không thấy triển khai nên chị lên TikTok, Facebook xem thử.

"Họ yêu cầu tôi kết bạn qua Zalo, sau đó nhắn lộ trình và các yêu cầu, tổng chi phí là 540 triệu đồng. Sau khi điền thông tin và chứng minh trình độ tiếng Anh, tài chính..., tôi được thông báo đủ điều kiện ký hợp đồng sang Úc trong năm nay. Ngay khi tôi chuyển khoản 50 triệu đồng, họ liền chặn liên lạc" - chị Thủy bức xúc.

Mới đây, anh Hồ Đức Lâm (quê Ninh Thuận) đã phải lên Facebook để "bóc phốt" một tài khoản TikTok lừa đảo anh hơn 35 triệu đồng tiền học "bao đậu" khóa tiếng Anh PTE (chứng chỉ quốc tế). Anh có nguyện vọng sang Úc làm việc theo diện lao động có tay nghề (visa 482) vì đã tốt nghiệp cao đẳng điện lực.

Trình độ tiếng Anh không đủ điều kiện nên Lâm tìm hiểu một khóa học để bổ sung bằng cấp. Lên TikTok, anh thấy một tài khoản chuyên đào tạo tiếng Anh PTE đăng quảng cáo các khóa học "cấp tốc, bao đậu". "Họ kêu tôi mở tài khoản học trên một đường link rồi đóng tiền học và lệ phí thi là 35 triệu đồng. Cả tin nên tôi đóng tiền, ngay sau đó bị loại khỏi nhóm học" - anh nhớ lại.

Chưa triển khai visa nông nghiệp sang Úc

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây, nhiều tài khoản TikTok có hàng chục ngàn người theo dõi đã bắt đầu nói về việc Úc sẽ mở visa 403 cho công dân Việt Nam, kêu gọi người có nhu cầu vào nhóm để chuẩn bị.

Tuy nhiên, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định hai nước đang xúc tiến các bước đàm phán, chưa triển khai visa nông nghiệp sang Úc. Cá nhân, tổ chức nào nhận tiền của người lao động để đưa họ đến Úc bằng visa 403 đều không hợp lệ, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đại diện một doanh nghiệp dịch vụ du học, việc làm Úc có nhiều năm kinh nghiệm tại TP HCM cho biết hiện nước này chưa cấp visa 403 cho công dân Việt Nam. Úc có rất nhiều loại visa cấp cho công dân nước ngoài đến học tập và làm việc. Nếu có nhu cầu đến Úc làm việc, người lao động có thể tìm hiểu các loại visa 500, 482, 462, 457... Tuy vậy, để lấy được visa Úc chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Luật sư Hunter Te - hành nghề tại Úc - khẳng định: Cũng như nhiều nước khác, Úc chỉ cấp thị thực cho từng loại visa kèm theo rất nhiều điều kiện. Vì vậy, không có chuyện các điều kiện không đáp ứng mà lấy được visa đến Úc làm việc, du lịch hay học tập. Hunter Te cũng khẳng định nước Úc đang thiếu lao động trầm trọng và chính phủ nước này đang nỗ lực tìm kiếm lao động nước ngoài. Tuy nhiên, Úc là quốc gia có hệ thống tư pháp khá chặt chẽ nên những ai có ý định theo những con đường bất hợp pháp thì nên từ bỏ bởi sẽ đối diện với khả năng bị lừa đảo ngay tại Việt Nam và cả khi đến được Úc.

Coi chừng bị lừa!

Luật sư di trú Hunter Te - hiện hành nghề tại Úc - khẳng định cũng như nhiều nước khác, Úc chỉ cấp thị thực cho từng loại visa kèm theo rất nhiều điều kiện. Vì vậy, không có chuyện chưa đáp ứng các điều kiện mà lấy được visa đến Úc làm việc, du lịch hay học tập.

Theo luật sư Hunter Te, Úc đang thiếu lao động trầm trọng và chính phủ nước này đang nỗ lực tìm kiếm lao động nước ngoài. Tuy nhiên, Úc là quốc gia có hệ thống tư pháp khá chặt chẽ. Ai có ý định sang nước này làm việc theo những con đường bất hợp pháp thì nên từ bỏ bởi sẽ đối diện khả năng bị lừa đảo ngay tại Việt Nam và cả khi đến được Úc.

Theo nld