Học viên Công ty TNHH Esuhai tham gia một khóa huấn luyện trước khi sang Nhật Bản làm việc 


Mười tháng đầu năm 2018, cả nước có gần 120.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Đài Loan và Nhật Bản là 2 thị trường trọng điểm (chiếm khoảng 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài). Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với mức thu nhập tốt, nhiều lao động sau khi về nước đã có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít lao động Việt Nam có trình độ tay nghề và ý thức kỷ luật chưa tốt được đưa ra nước ngoài làm việc.

Buông lỏng tuyển chọn, đào tạo

Tại hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài" tổ chức mới đây ở TP HCM, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng Phòng Thông tin - Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước, thẳng thắn nhìn nhận: Để xảy ra tình trạng nói trên là do một số doanh nghiệp (DN) tuyển lao động không đáp ứng điều kiện về trình độ tay nghề, ngoại ngữ; không trực tiếp tổ chức đào tạo, tuyển chọn lao động, không biên soạn tài liệu hoặc phó mặc cho các cơ sở đào tạo dẫn đến chất lượng đào tạo không bảo đảm yêu cầu. Một số DN chỉ phổ biến chung chung về các nội dung bồi dưỡng kiến thức cần thiết, không phổ biến đầy đủ hoặc thậm chí không phổ biến các nội dung mang tính chất "nhạy cảm" hợp đồng, đặc biệt là cấu phần chi phí trước khi đi, các mức khấu trừ và tính chất phức tạp của công việc người lao động (NLĐ) phải làm ở nước ngoài.

Làm rõ hơn vấn đề này, PGS-TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, chỉ ra rằng trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và kỷ luật của NLĐ Việt Nam còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc chủ yếu là lao động nông thôn, chưa qua đào tạo kỹ năng nghề chính quy và chưa có tác phong công nghiệp. "Đối với sinh viên cao đẳng và đại học, khả năng hòa nhập trong môi trường lao động mới sau tốt nghiệp chưa cao do ít được đào tạo trong môi trường tác phong công nghiệp. Nhiều sinh viên đã không được định hướng tốt trong việc chọn trường, chọn ngành nghề nên chưa định hướng nghề nghiệp trong tương lai" - PGS-TS Trần Văn Thiện chia sẻ.

Hợp tác nâng chất nguồn nhân lực

Theo đánh giá của các chuyên gia, ở những thị trường lao động truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, chủ sử dụng rất thích tuyển chọn lao động Việt Nam bởi sự khéo léo, chăm chỉ và thích nghi nhanh. Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế và khu vực, lao động Việt Nam, trong đó có lao động trình độ cao, ngày càng có nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài.

Để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ngoài tìm kiếm, khai thác, mở rộng thị trường, ngành nghề tiếp nhận lao động trình độ cao của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ưu tiên hàng đầu là cần làm tốt công tác kết nối DN xuất khẩu lao động (XKLĐ) với các trường nghề để tuyển chọn và đào tạo lao động. "Các DN có thể trên cơ sở yêu cầu của đối tác nước ngoài, hợp tác với các trường nghề để đào tạo nguồn lao động đáp ứng yêu cầu về trình độ tay nghề. Ngoài ra, các DN cũng có thể dựa trên cơ sở kết quả đầu ra trong việc đào tạo của các trường nghề để tuyển chọn những lao động có kỹ năng phù hợp yêu cầu của đối tác nước ngoài" - bà Hà đề xuất.

Dự báo về nhu cầu XKLĐ tính đến năm 2020 là rất lớn, chỉ tính riêng các huyện nghèo trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến đưa khoảng 58.000 người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó khoảng 80% lao động qua đào tạo nghề. Do vậy, vai trò của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là vô cùng quan trọng trong việc đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Diệu Anh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân, góp ý: "Để tránh tình trạng đào tạo tràn lan, không đúng nhu cầu nhân lực thực tế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần kết nối với các đơn vị liên quan trong việc cung ứng nguồn lao động đi nước ngoài, cụ thể các yêu cầu từ DN, nhất là các tiêu chuẩn, ngôn ngữ, kỹ năng, thái độ, cư xử văn hóa đặc trưng của quốc gia, vùng miền. NLĐ càng được chuẩn bị kỹ càng thì họ càng dễ thích nghi và gắn bó với DN". Đồng tình với ý kiến này, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng cần thiết phải đẩy mạnh việc triển khai các mô hình gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN XKLĐ, gắn tuyển sinh với định hướng đi học tập, làm việc ở nước ngoài bằng hợp đồng hợp tác đào tạo trong đó nêu cụ thể trách nhiệm của nhà trường và DN. "DN có thể chuyển giao cho nhà trường chương trình đào tạo, quy trình đánh giá của nước tiếp nhận sinh viên, NLĐ để nhà trường trực tiếp áp dụng. DN cung cấp giáo viên, chương trình, tài liệu và phối hợp cùng nhà trường tổ chức dạy tiếng các nước tuyển dụng lao động cho người học trong chương trình đào tạo nghề" - ông Tiến cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực XKLĐ, bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn (Saigon Inserco), cho biết bên cạnh đào tạo ngôn ngữ, Saigon Inserco còn thỉnh giảng các kỹ sư, các thầy thợ có tay nghề cao trong các lĩnh vực: xây dựng, hàn, đóng cốp pha,… để đào tạo tay nghề cho các học viên. Việc trang bị những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết sẽ tạo được chất lượng lao động rất cao cho các học viên khi sang nước ngoài làm việc. Ngoài ra, trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, học viên đều được đào tạo cách ứng xử và văn hóa giống như môi trường Nhật Bản thật. 

50% lao động xuất khẩu được đào tạo nghề

Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, thu nhập hằng năm của NLĐ khoảng 2 tỉ USD. Từ năm 2006 đến nay đã có hơn 1 triệu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Chất lượng nguồn lao động xuất khẩu từng bước được nâng lên. Cuối năm 2003, số lượng lao động được đào tạo nghề trước khi đi làm việc ở nước ngoài mới đạt khoảng 35% thì đến nay tỉ lệ này đã đạt trên 50%.


Theo Người Lao động