Liên quan vấn đề trên, trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN PHÚ BÌNH, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (ảnh), cho rằng đây được xem là cơ hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn cho việc quản lý lao động Việt Nam khi sang làm việc tại Nhật Bản.
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về chính sách mới này của Nhật?
Ông NGUYỄN PHÚ BÌNH: - Theo chính sách mới mà Chính phủ Nhật Bản vừa đề xuất để ban hành, những lao động đi theo hình thức tu nghiệp sinh và thực tập sinh nếu đáp ứng được tiêu chuẩn lao động cũng như trình độ tiếng Nhật, sẽ được quyền ở lại Nhật Bản làm việc với thời hạn tối đa 5 năm. Như vậy, Nhật Bản sẽ mở cửa tiếp nhận các lao động phổ thông, thay vì chỉ giới hạn trong các chuyên gia tay nghề cao như bác sĩ và giáo viên.
Việc sửa đổi luật của phía Nhật có thể mở ra một số cơ hội cho lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại nước này, trong đó có lao động Việt Nam. Tức là khi người lao động nước ngoài có trình độ, có kỹ năng, làm việc chăm chỉ, đạo đức tốt sẽ có cơ hội được định cư vĩnh viễn ở Nhật. Đây cũng chính cơ hội, hay đúng hơn là một viễn cảnh vừa mở ra cho lao động Việt Nam.
- Ông có thể nói chi tiết hơn về việc lao động được định cư ở Nhật Bản?
- Đối với những người nào làm việc chăm chỉ, được đánh giá cao và có ngoại ngữ tốt thì đây là cơ hội rất lớn. Nhưng đối với những lao động nói chung, hay những lao động có ý tìm mọi cách để ở lại dù không đủ tiêu chuẩn, tôi nghĩ sẽ rất khó khăn, bởi vì Nhật thực thi pháp luật rất nghiêm minh.
Đối với lao động Việt Nam, tôi cho rằng vẫn còn nhiều thách thức khi sang lao động tại Nhật Bản. Vài năm gần đây, rộ lên hiện tượng người lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại Nhật, rồi vi phạm pháp luật nước sở tại, đến mức phía Nhật đã nhiều lần phải ta thán về việc này. Cái gốc vấn đề do đâu? Tôi cho rằng vấn đề ở chỗ chúng ta chưa có chế tài để kiểm soát việc nở rộ tràn lan các công ty môi giới du học Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay.
Trước đây khi đi lao động tại Nhật Bản, phía Việt Nam chỉ có trường hợp các tu nghiệp sinh, đi qua con đường của các công ty cung ứng lao động mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cấp phép. Nhưng hiện nay, đã và đang có sự biến tướng với sự tham gia của các công ty môi giới giáo dục.
Các công ty môi giới du học thường tuyên truyền với người lao động rằng cứ đi sang Nhật học, còn sang bên đó không học được ra ngoài lao động chân tay. Chính vì lời hứa hẹn này đã làm cho con số du học sinh Việt Nam sang Nhật tăng lên trong những năm qua.
- Ý kiến của ông thế nào trước ý kiến của phía Nhật cho rằng nạn trộm cắp tại nước này tăng lên trong những năm gần đây, mà thủ phạm chủ yếu là các lao động Việt Nam?
- Thực tế ở Nhật không phải cứ du học là gói gọn trong 4-5 năm như một số nước khác, quy định rất chặt chẽ các bước. Đầu tiên là đi học, sau khi học xong nếu thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng sẽ học tiếp, còn nếu không đậu du học sinh bắt buộc phải quay về nước.
Tuy nhiên, một số công ty du học lại thiếu trách nhiệm, hoặc chỉ hoạt động mục đích kiếm lợi nhuận mà sẵn sàng "đem con bỏ chợ", tuyên truyền sai lệch để thu hút các học sinh. Tôi biết hiện có nhiều người không có khả năng đi học, nhưng do nghe tuyên truyền nên đã vay mượn tiền để đi, cuối cùng khi sang Nhật vỡ mộng, vì khi sang đấy không học được phía Nhật bắt phải quay về. Lúc này dẫn đến hệ quả những người này trốn ra ngoài và ở lại để làm bên ngoài, tức lao động trái phép.
Ở Nhật quản lý lao động rất chặt chẽ, người Nhật cũng rất ít khi thuê những lao động trái phép làm việc, do đó nảy sinh hiện tượng một số lao động bất hợp pháp của Việt Nam vào các siêu thị của Nhật để trộm cắp. Đây là một thực trạng đáng báo động từ lâu, nhưng tiếc là đến nay ta vẫn chưa có giải pháp để quản lý vấn đề này. Do đó, đây là thách thức rất lớn cho lao động Việt Nam khi sang thị trường Nhật hiện nay.
- Trước thực trạng trên, cần có giải pháp gì để chấn chỉnh, thưa ông?
- Hiện nay, Bộ LĐ-TB-XH chủ yếu quản lý những công ty cung ứng lao động, còn du học thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Khi tôi còn làm đại sứ tại Nhật, cũng đã nhiều lần kiến nghị với Bộ GD-ĐT cần phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Sau đó phía Bộ GD-ĐT cũng có cử cán bộ quản lý học sinh sang Nhật công tác, nhưng họ chỉ quản lý học sinh ở diện đi học bằng học bổng, còn các học sinh du học tự túc rất nhiều, Bộ GD-ĐT không quản lý hết được.
Lấy thí dụ năm 2011, ở Nhật xảy ra động đất và sóng thần, các học sinh Việt Nam đi du học tự túc gần như không có cơ quan nào quản lý cả. Do đó, khi thảm họa xảy ra gia đình ở Việt Nam mới gọi điện dồn dập cho Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đề nghị giúp đỡ tìm kiếm con em họ.
Lúc ấy, phía Sứ quán phải cử người đi tìm kiếm các học sinh Việt Nam. Người thì ít, phạm vi tìm kiếm rộng, phải nói là khi đó chúng tôi rất vất vả trong việc này. Nên tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có cơ chế để quản lý được tất cả các du học sinh Việt Nam đang đi du học tại Nhật, cả diện học bổng lẫn tự túc; cũng như Bộ LĐ-TB-XH đã quản lý các lao động Việt Nam khi đi xuất khẩu.
Một điều dễ nhận thấy ở đây là vai trò quản lý của Bộ GD-ĐT trong việc kiểm soát các cơ sở, công ty môi giới du học Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay khá yếu, do đó dẫn đến nhiều người bị lừa bởi một số công ty làm ăn bất chính.
Khi người lao động nước ngoài có trình độ, có kỹ năng, làm việc chăm chỉ, đạo đức tốt sẽ có cơ hội được định cư vĩnh viễn ở Nhật. Đây cũng chính cơ hội, hay đúng hơn là một viễn cảnh vừa mở ra cho lao động Việt Nam. Nhưng đối với những lao động nói chung, hay những lao động có ý tìm mọi cách để ở lại dù không đủ tiêu chuẩn, tôi nghĩ sẽ rất khó khăn, bởi vì Nhật thực thi pháp luật rất nghiêm minh.
Theo Người Lao động