Ảnh minh họa
Thông tin trên không cho biết trong số kiều hối đó có gồm số tiền của những anh chị em gọi là “xuất khẩu lao động” lam lũ, dành dụm gửi về cho gia đình hay không, và nếu có là bao nhiêu.
Dò tìm trên trang web của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), đọc được một đoạn trong Báo cáo về kết quả thực hiện công tác năm 2018 của thanh tra ngành: “Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại 16 doanh nghiệp. Qua thanh tra, ban hành 82 kiến nghị yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nhằm khắc phục sai phạm, 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,062 tỉ đồng; kiến nghị thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của 1 doanh nghiệp”. Cùng vài tựa sau: “Cảnh giác với các hình thức lừa đảo thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản” (2-12-2018), “Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định 5 tỉ đồng” (28-11-2018)... Có vẻ như, nếu chỉ qua mấy tin trùng hợp cùng thời điểm trên, xuất khẩu lao động vẫn chưa là một điều gì như ý, vẫn mang tính “chính sách” (giảm nghèo) và, do đó dễ bị trục lợi.
Cũng may là còn có thể dò trên một báo cáo có tựa đề “Vietnam migration profile 2016” của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM). Theo báo cáo này, số người lao động xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài đã đạt 126.296 trong năm 2016, với 28 quốc gia/lãnh thổ là điểm đến. Báo cáo cho biết kiều hối ước tính từ mọi người lao động xuất khẩu có thể lên đến 3,27 tỉ USD trong năm 2016 (tr.42). Nếu so với tổng số kiều hối năm 2017 nêu ở trên vào khoảng 13,8 tỉ USD, thì con số 3,2 tỉ USD của các anh chị em lao động xuất khẩu trong năm 2016 quả là một con số kha khá. Bởi thế báo cáo của IOM đã đưa ra một nhận xét: “Tiền lương và thu nhập khác kiếm được ở nước ngoài tốt hơn đáng kể so với tiền lương trung bình trong nước, đặc biệt là những ai ở Úc, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc. Điều này nhấn mạnh tiềm năng đóng góp tài chính cho gia đình và đất nước đáng kể của người lao động xuất khẩu” (tr.42).
Có lẽ cũng cần nhìn lại vấn đề lao động xuất khẩu theo một cách khác. Trước hết, như báo cáo nhận xét, “khi Việt Nam ngày càng được toàn cầu hóa, sự gia tăng lao động xuất khẩu người Việt ra nước ngoài sẽ trở thành một xu hướng không thể đảo ngược” (tr.99), nhất là khi “Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu đậm hơn với thế giới, thực thi một thế hệ hiệp định tự do thương mại (FTA) mới”. Do báo cáo trên bàn về vấn đề di dân trong tổng thể, nên báo cáo đưa ra khuyến cáo chung: “Nhà nước được khuyến khích thành lập một cơ quan quản lý di dân làm đầu mối phát triển cơ sở dữ liệu để cập nhật thường xuyên” (tr.102). Song, từ khuyến cáo chung đó, cũng có thể “nâng cấp” việc quản trị lao động xuất khẩu. Để từ đó hình thành được một thế hệ người lao động xuất khẩu có trình độ văn hóa, ngôn ngữ cùng tay nghề chuyên môn tốt hơn thế hệ hiện tại. Điều đó sẽ không những chỉ gia tăng khả năng thu nhập, mà còn gia tăng sự tôn trọng của những người sử dụng lao động ở các nước đến, hầu giảm bớt tình trạng bạo hành, đối xử tồi tệ... mà báo cáo có nêu một số trường hợp.
Có lẽ cần nghĩ đến một thế hệ người lao động đủ khả năng di chuyển sang các nước khác, tỷ như theo tinh thần “cộng đồng chung ASEAN”, làm việc và sinh sống một cách “đường hoàng”. Đừng tranh cãi tiếng Anh sẽ là ngoại ngữ thứ nhất hay ngôn ngữ thứ nhì, hãy ráng sao chỉ trong một hai năm, cung cấp cho người lao động tương lai một vốn liếng ngoại ngữ đủ để giao tiếp, làm việc.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn