Chật vật tìm việc

Cuối năm 2021, hết hạn hợp đồng làm việc tại Nhật Bản, trong khi một số lao động ở lại cư trú bất hợp pháp thì anh Trần Tuấn Anh (quê Yên Bái) lại chọn về nước. Dù có tay nghề, được đào tạo bài bản trong ngành sản xuất chế tạo, nhưng gần 1 năm nay anh Tuấn Anh vẫn chưa tìm được việc làm đúng ngành nghề.

Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Nguyễn Văn Phong (quê ở Nghệ An) trở về từ Hàn Quốc cũng đang chật vật tìm việc tại quê nhà. “Ở Hàn Quốc, lương trung bình của tôi là hơn 40 triệu đồng/tháng, tôi mong muốn tìm công việc phiên dịch, có mức lương chỉ bằng 1/3 bên Hàn mà khó quá. Về nước mấy tháng nay không có việc, ngồi không cũng sốt ruột nên tạm thời tôi theo anh em đi phụ hồ, lương 150.000 đồng/ngày”.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, sau dịch Covid-19, có một số lượng rất lớn lao động từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… quay trở về nước. Băn khoăn lớn nhất của người lao động khi trở về là có tìm được công việc phù hợp với tay nghề, trình độ và mức lương hay không.

“Mức lương tại Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với mức lương nhận được khi làm việc ở nước ngoài. Trong khi các vị trí việc làm thì đều có mức tương đương so với mặt bằng chung về chi trả lương, người lao động không thể đòi hỏi cao ngang so với nước bạn. Nếu mãi loay hoay tìm mức lương tương đương là rất khó. Đây cũng chính là rào cản về mặt tâm lý, băn khoăn của người lao động”, ông Thành chia sẻ.

Lao động trẻ khó tìm việc 'hậu' xuất khẩu lao động - ảnh 1

Lao động về nước tìm việc tại sàn giao dịch việc làmHà Nội

T.HẰNG

Lãng phí nguồn nhân lực

Theo Báo cáo nghiên cứu tổng thể thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam vừa được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố, so với các nước trong khu vực, tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam về nước tìm được việc làm thấp nhất, chỉ 26,7%. Trong khi con số này ở Trung Quốc, Thái Lan, Philippines là hơn 50%. Tỷ lệ thực tập sinh kỹ thuật của Việt Nam trở về làm các công việc tương tự như ở Nhật Bản rất thấp. Nhiều người sử dụng kỹ năng tiếng Nhật để bán hàng, tư vấn xuất khẩu lao động, dạy ngoại ngữ...

Khảo sát 341 doanh nghiệp Nhật Bản và hơn 40 nhà tuyển dụng cho thấy thực tập sinh Nhật Bản về Việt Nam khó tìm được việc vì kinh nghiệm làm việc không phù hợp; mong muốn mức lương cao và kỳ vọng lớn vào vị trí. Học viên trở về từ Nhật Bản chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ và công nghệ thông tin, nhưng ngoài khả năng tiếng Nhật thì kinh nghiệm làm việc trong quá khứ của họ không có nhiều giá trị khi quay về Việt Nam. “Đây là sự lãng phí kinh nghiệm của nguồn nhân lực; không đáp ứng mục đích ban đầu của chương trình là chuyển giao kỹ năng”, JICA đánh giá.

Với tâm lý đi nước ngoài chỉ là để đi lao động, kiếm tiền mà không mục đích, động lực nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Hệ quả là sau khi về nước, chính người lao động và gia đình họ tiếp tục khó khăn trong công việc, trong cuộc sống và tiếp tục thất nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, cho hay những năm qua đã có hơn 100.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản về nước. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy được, có những lao động đã khởi nghiệp thành công hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp, tạo động lực và nguồn cảm hứng cho những lao động trẻ khác noi theo. Tuy nhiên, còn một số lao động khác gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm của mình. Điều này trở thành một trong những lý do khiến nhiều lao động khi hết hạn hợp đồng lo lắng không tìm được việc làm ở quê hương.

Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai, cho hay có tới 90% lao động đi xuất khẩu lao động chưa qua đào tạo, tay nghề, năng lực chuyên môn rất hạn chế và chỉ có 10% lao động là chuyên gia, kỹ sư, lao động kỹ thuật bậc cao. Đây chính là nguyên nhân khiến cho người lao động khó có cơ hội tìm được việc làm khi về nước.

Ông Lanh chia sẻ: “Với tâm lý đi nước ngoài chỉ là để đi lao động, kiếm tiền mà không mục đích, động lực nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Hệ quả là sau khi về nước, chính người lao động và gia đình họ tiếp tục khó khăn trong công việc, trong cuộc sống và tiếp tục thất nghiệp. Điều này gây lãng phí nguồn nhân lực, hoàn toàn đi ngược với chủ trương của nhà nước là đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển đất nước”.

Hỗ trợ lao động tìm việc, khởi nghiệp

Để hỗ trợ lao động tìm việc làm, ông Vũ Quang Thành cho biết tháng 11 tới đây, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) tiếp tục tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho lao động trở về từ nước ngoài.

“Hiện rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang rất cần lao động có tay nghề. Trong khi người lao động trở về từ nước ngoài đôi khi còn thiếu những thông tin về thị trường lao động. Để tránh bị lừa đảo, người lao động có thể tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố để được hỗ trợ, kết nối với các doanh nghiệp uy tín. Các phiên giao dịch việc làm chính là cầu nối giữa người lao động với các doanh nghiệp”, ông Thành nói.

Trong bối cảnh kinh tế đang có nhiều thay đổi, ông Nguyễn Xuân Lanh kiến nghị nhà nước cần tăng tỷ lệ lao động đi nước ngoài có trình độ, kỹ năng đã qua đào tạo. Trong định hướng này, nên chọn ngành nghề chiến lược mà chúng ta đang cần phát triển ngành nghề mũi nhọn để có thể khai thác nguồn lực sau khi về nước.

“Chúng ta cần tuyển chọn những thanh niên, sinh viên mới ra trường có khát vọng và ý chí, giúp họ có thời gian trải nghiệm tay nghề, học hỏi kỹ thuật, học cách quản lý hiệu quả, học ngoại ngữ, rèn kỹ năng tác phong công nghiệp… Họ chính là nguồn lực có đủ điều kiện để khởi nghiệp trong tương lai”, ông Lanh nói.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), chủ trương hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động sau khi về nước đã có, song chưa hiệu quả, cũng chưa có chế tài ràng buộc các cấp ngành phải làm. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đang phối hợp với JICA thực hiện dự án hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho thực tập sinh kỹ năng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự án cung cấp cho người lao động trở về cơ hội tiếp cận các công việc còn trống và thông tin tuyển dụng từ doanh nghiệp.

Theo Thanh niên