leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện cả nước có hơn 500-600 nghìn lao động đang làm việc ở 40 quốc gia vùng lãnh thổ. Kiều hối mỗi năm số lao động này chuyển về nước đạt 3-4 tỉ USD.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá, đây là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, với trên 32.000 lao động, tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông và các thị trường khác.

Tuy nhiên, Thanh Hóa phải đối mặt với tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hợp đồng - bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến hình ảnh lao động Việt Nam.

Số lao động ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản; Đài Loan (Trung Quốc)... là các thị trường có nhiều lao động bỏ trốn, ở lại làm lao động bất hợp pháp.

Theo báo cáo của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đến hết ngày 30.6, Thanh Hóa còn 890 lao động làm việc bất hợp pháp trên tổng số hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm 8,77% tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc.

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 2 địa phương bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là huyện Hoằng Hóa và huyện Đông Sơn. 

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc với 8 quận, huyện của 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa.

Việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương căn cứ theo Bản ghi nhớ về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020-2022.

Theo đó, việc tạm dừng tuyển lao động áp dụng với 8 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Việc áp dụng biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương năm 2023 sẽ căn cứ vào tỷ lệ và số lượng lao động của các địa phương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vào thời điểm cuối năm 2022.

Theo ông Liêm, lao động bỏ trốn cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài xuất phát từ việc trình độ nhận thức, tác phong lao động yếu. Lao động không nhận thức được sự nguy hiểm, tác hại của việc bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp với lợi ích của bản thân, gia đình và xã hội.

"Nếu bị phát hiện, lao động sẽ bị phía bạn bắt giam, trục xuất mất cơ hội nhập cảnh trở lại" - ông Liêm nói.

Theo laodong