Ảnh minh họa 

Năm 2016, tiếp tục đưa trên 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để đạt mục tiêu này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai một số giải pháp, như mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động; sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách của Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động; nâng cao năng lực của các doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo  lao động trước khi ra nước ngoài làm việc.

Ông Tống Hải Nam, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết: "Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành rất nhiều biện pháp để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam. Chúng tôi cũng đã trao đổi với các nước để mở rộng cả ngành nghề và lĩnh vực tiếp nhận. Hiện nay chúng ta có một số thị trường truyền thống tiếp nhận lao động Việt Nam thì chắc chắn trong thời gian tới sẽ duy trì ổn định và mong rằng sẽ mở rộng được thị phần ở những thị trường này, đó là thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia và một số nước ở Trung Đông. Đấy chính là cơ hội để chúng ta hy vọng và tin tưởng trong tương lai, lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ phát triển".

Năm 2015, cả nước được được hơn 115 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 122% so với kế hoạch năm. Kết quả này là nhờ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động; tiếp tục nối lại thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới. Hiện lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với 30 nhóm ngành nghề, trong đó nhiều lao động đã ra nước ngoài làm việc ở các lĩnh vực, nghề mới có yêu cầu chất lượng cao như: y tá, điều dưỡng…

                                                                                                                    Theo VOV5