leftcenterrightdel
 Anh Trần Văn Tú (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) trình bày vụ việc anh bị lừa đảo đi xuất khẩu lao động tại New Zealand với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Hà Anh

Hành vi lừa đảo đa dạng, tinh vi

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, cũng như đưa ra những cảnh báo về tình trạng và hoạt động lừa đảo của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này nhưng vẫn nhận được thông tin từ NLĐ, các cơ quan công an, các địa phương... về việc có nhiều NLĐ bị lừa đảo bằng các hình thức, thủ đoạn khác nhau.

Tình trạng lừa đảo đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài qua con đường không hợp thức chủ yếu diễn ra đối với thị trường Hàn Quốc và một số thị trường khác có mức lương cao, các điều kiện việc làm, ăn ở và thu nhập hấp dẫn như Singapore, Australia, Mỹ, Canada...

Có những hình thức, thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng mới phát hiện được. Các đối tượng này thường lập thành công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… thậm chí có cả trang web quảng bá về hoạt động của doanh nghiệp và hình ảnh tuyển chọn, đào tạo NLĐ và nơi NLĐ làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, các đối tượng này cũng lợi dụng uy tín của các doanh nghiệp có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để lập ra các công ty có tên tương tự nhằm đánh lừa NLĐ...

Thực tế này đã dẫn tới việc nhiều trường hợp NLĐ mong muốn đi làm việc ở nước ngoài bị lừa đảo, thậm chí phải nộp số tiền lớn cho các cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

NLĐ cần nâng cao cảnh giác

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, để tránh bị lừa đảo, NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không tin vào các thông tin mời chào, hứa hẹn về việc làm trên các website, Facebook, Zalo… không chính thống và tuyệt đối không giao dịch, liên hệ với các tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa NLĐ động đi làm việc ở nước ngoài.

Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cần chủ động tìm hiểu kỹ quy định pháp luật trong lĩnh vực NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tìm hiểu thông tin có liên quan về đơn hàng tuyển dụng lao động, lĩnh vực ngành nghề, yêu cầu đối với NLĐ về trình độ tay nghề, ngoại ngữ cũng như chi phí phải nộp theo đúng quy định của pháp luật. NLĐ có thể tra cứu thông tin về doanh nghiệp có giấy phép tại trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ www.dolab.gov.vn.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, NLĐ có thể cung cấp thông tin về dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tới các cơ quan liên quan như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương; Cơ quan Công an địa phương; Cơ quan thông tin đại chúng; Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...

Theo laodong