Nên đi xuất khẩu lao động ở nước nào?
Lao động Nguyễn Thị Thơ (29 tuổi, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) hỏi: Tôi tốt nghiệp cấp 2 hiện làm nông nghiệp, nhà nghèo nên tôi có mong muốn đi xuát khẩu lao động (XKLĐ). Không biết có thị trường nào phù hợp, công ty nào uy tín để đi làm việc ở nước ngoài không? Tôi nghe nói giờ có rất nhiều nước như Hàn Quốc, Đài Loan, hay các quốc gia trong khu vực đi làm việc, vậy nên đi thị trường nào?
Nhiều thị trường xuất khẩu lao động truyền thống cho lao động phổ thông
Về vấn đề này đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước trả lời như sau: Hiện nay Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác, đưa lao động đi làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi năm Việt Nam đưa hàng chục nghìn người đi làm việc ở nước ngoài.
Có một số thị trường truyền thống, tiềm năng như bạn nhắc ở trên ví dụ như: Nhật Bản; Đài Loan; Hàn Quốc; Singapore... hay là các quốc gia trung Đông; Châu Âu. Tuy nhiên việc lựa chọn thị trường nào lại tùy thuộc vào quyết định của bạn.
Với các thị trường ở khu vực châu Á, Đông Nam Á, mức lương của lao động đi xuất khẩu lao động có thể sẽ không cao vượt trội, nhưng ngược lại, lao động tới đây làm việc có thể nhận được nhiều lợi thế như: Điểm tương đồng về văn hóa; khoảng cách địa lý gần, mức lương có thể cao hơn mức lương trong nước, đặc biệt với thị trường như: Hàn Quốc; Nhật Bản.
Với thị trường châu Âu, Trung Đông... có thể mức tiền lương cao hơn, nhưng chi phí đi lại, di chuyển hay chi phí sinh hoạt cũng đắt đỏ hơn. Vì vậy, lao động nên cân nhắc để có lựa chọn phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Thơ đang trong độ tuổi lao động, chỉ cần đảm bảo sức khỏe, không có tiền án, tiền sự... thì có thể được tiếp nhận dự tuyển vào bất cứ đơn hàng xuất khẩu lao động nào.
Là lao động làm nông nghiệp chị có thể tìm hiểu đơn hàng nông nghiệp của một số thị trường XKLĐ như: Xuất khẩu lao động Hàn Quốc (Theo chương trình EPS) hoặc xuất khẩu lao động Nhật Bản. Tuy nhiên nếu tham gia chương trình EPS Hàn Quốc chị cần đi học tiếng Hàn, tham gia kỳ thi tiếng Hàn. Ngoài chương trình EPS cũng có chương trình làm việc thời vụ trong ngành nông nghiệp ở Hàn Quốc, nhưng chỉ là chương trình thí điểm ở một số tỉnh, hiện Thanh Hóa chưa có.
Ngoài 2 thị trường trên, chị có thể tìm hiểu thêm thị trường xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc). Đây là thị trường tầm trung, điều kiện đi không cao, chủ yếu tuyển lao động phổ thông. Các khoản chi phí đi xuất khẩu lao động không lớn chỉ khoảng 25-30 triệu đồng/1 đơn hàng. Mức lương lao động tùy thuộc từng đơn hàng, từng ngành nghề, nhưng lương cơ sở của Đài Loan trong khoảng từ 17-25 triệu đồng/1 người/1 tháng.
Hiện nay, nhà nước có một số chương trình, chính sách hỗ trợ lao động nghèo, cận nghèo đi xuất khẩu lao động. Nếu quan tâm, chị Thơ có thể tìm tới phòng LĐTBXH nơi chị sinh sống hoặc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa hoặc gọi về số điện thoại 043.38249517 của Cục Quản lý lao động ngoài nước để được tư vấn giới thiệu về các thị trường xuất khẩu lao động phù hợp, các công ty có uy tín.
Theo danviet