leftcenterrightdel
 Chi phí thấp giúp người lao động có nhiều cơ hội sang Nhật Bản làm việc hơn

Khi người lao động (NLĐ) quyết định ra nước ngoài làm việc, điều họ quan tâm nhất là chi phí, đặc biệt đối với những lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), việc các đơn hàng đồng loạt giảm phí, các nghiệp đoàn Nhật Bản gia tăng hỗ trợ, thậm chí cho nợ phí khiến cơ hội để NLĐ sang Nhật Bản làm việc dễ dàng hơn bao giờ hết.

Chỉ từ 5 triệu đồng!

Theo nhiều doanh nghiệp (DN) XKLĐ, Nhật Bản đang thay đổi rất nhiều điều kiện tuyển dụng để thu hút lao động nước ngoài trong bối cảnh khan hiếm lao động ngày thêm trầm trọng. Đất nước mặt trời mọc cũng dành nhiều ưu đãi hơn cho NLĐ nước ngoài như tăng lương, giảm chi phí, cắt bớt thủ tục không cần thiết... Đó là những thuận lợi cho nhiều lao động Việt Nam vốn trước đây bị một số điều khắt khe mà chưa thể đến Nhật Bản làm việc. Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất, được tất cả NLĐ quan tâm nhất, đó chính là chi phí. Kể từ sau đại dịch COVID-19, chi phí mà các DN dịch vụ đưa ra đã giảm mạnh khiến NLĐ hết sức vui mừng.

Sau gần 3 năm làm nhân viên kinh doanh cho một nhãn hàng tiêu dùng, Võ Thị Thúy Hằng (27 tuổi, quê Bến Tre) quyết định sang Nhật Bản làm việc theo diện thực tập sinh (TTS). Gom góp tiền tiết kiệm sau mấy năm đi làm được khoảng 30 triệu đồng, Hằng lo lắng sẽ không đủ chi phí nên mượn thêm của người thân 20 triệu nữa cho đủ 50 triệu đồng. Hằng lên TP HCM tìm hiểu một số công ty XKLĐ uy tín thì rất bất ngờ với chi phí phải đóng. "Tôi cứ lo sẽ không đủ, sẽ phải vay thêm tiền, sợ ba mẹ lo lắng. Trước đây, bạn bè tôi phải mất gần 200 triệu mới đi được nên tôi không dám đi. Mấy tháng trước, tôi hay tin phí có giảm nhưng tôi không nghĩ là giảm nhiều như vậy. Tôi không phải vay mượn thêm mà vẫn có thể thực hiện ước mơ" - Hằng nói. Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group, cho biết chi phí đi XKLĐ Nhật phụ thuộc vào từng công việc, tùy từng đơn hàng và cũng tùy từng DN mà sẽ có mức phí khác nhau. Hiện chi phí đi làm việc tại Nhật Bản đã giảm nhiều so với trước đây và đó là động lực để NLĐ mạnh dạn ra nước ngoài làm việc.

Theo ông Sơn, thông thường sẽ có 4 khoản chi phí mà NLĐ phải bỏ ra khi tham gia chương trình TTS sang Nhật Bản. Đầu tiên là khoản tiền dịch vụ phái cử. Đây là khoản thu mà NLĐ đóng cho DN để DN sử dụng vào mục đích tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý NLĐ trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Tại Esuhai, tiền dịch vụ sẽ dao động từ 5 triệu đến 42 triệu đồng tùy thuộc vào công việc, mức lương, loại hình đi... Tiếp đến là chi phí khám sức khỏe. Đối với NLĐ sang Nhật Bản làm việc, phải trải qua 3 lần khám sức khỏe: khám sức khỏe đầu vào, khám sức khỏe sau trúng tuyển và khám trước khi xuất cảnh. Chi phí đào tạo tiếng Nhật, đào tạo kỹ năng, tác phong làm việc và cả văn hóa Nhật cũng là khoảng tiền mà NLĐ phải đóng cho DN phái cử ngoài khoản chi phí tham gia chương trình TTS. Mức chi phí này dao động từ 20 đến 40 triệu tùy từng công việc, từng hình thức phái cử. Riêng chương trình TTS đi làm việc kaigo (chăm sóc người cao tuổi), NLĐ sẽ được hoàn trả 100% số tiền này trước khi có tư cách lưu trú và đạt trình độ tiếng Nhật N4. Cuối cùng là một số chi phí khác, như phí cấp thị thực visa, đóng góp quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, vé máy bay...

Tăng hỗ trợ

Theo đại diện nhiều DN phái cử, việc chi phí đi XKLĐ thấp không những giảm gánh nặng tài chính, tạo điều kiện tốt hơn cho NLĐ mà còn có nhiều ý nghĩa to lớn. Đó là minh bạch thị trường XKLĐ, loại bỏ những DN làm ăn yếu kém, làm ăn chụp giật, các DN không đủ chức năng... Bên cạnh đó, hạn chế tình trạng bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp bởi gánh nặng nợ vay đóng phí đã được trút bỏ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Cung ứng Nhân lực Hoàng Long, cho rằng Nhật Bản cũng đang cần số lượng nhân sự lớn để khôi phục sản xuất sau đại dịch COVID-19, đặc biệt các ngành: xây dựng, cơ khí, chế biến và đóng gói thực phẩm, nông nghiệp, hộ lý và điều dưỡng rất thiếu nhân lực. Chính vì vậy, các xí nghiệp Nhật Bản có rất nhiều chính sách hỗ trợ đối với lao động nước ngoài dẫn đến chi phí đi Nhật giảm mạnh. Thời gian gần đây, Chính phủ Nhật Bản tung ra nhiều chính sách nhằm thu hút sự quan tâm của lao động các nước như Việt Nam, Trung Quốc... Hơn nữa, việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) hủy bỏ khoản tiền đặt cọc chống trốn cũng giúp NLĐ không phải lo khoản tiền từ 2.000 đến 3.000 USD khi đi XKLĐ. "Không chỉ nhẹ gánh chi phí, NLĐ tham gia chương trình TTS sang Nhật cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ của DN. Tại Hoàng Long, chúng tôi hỗ trợ giảm chi phí, hỗ trợ giấy tờ pháp lý cho NLĐ có thể vay vốn tại ngân hàng và có cho nợ phí lên đến 100% với một số ngành nghề đặc biệt. Chẳng hạn như ngành điều dưỡng, hộ lý, NLĐ chỉ cần đóng các khoản phí đào tạo, visa... là có thể đến Nhật làm việc" - bà Thủy cho biết.

Rà soát, bổ sung điều kiện hoạt động

Triển khai quy định của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các DN đã được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khẩn trương rà soát, bổ sung đầy đủ điều kiện và báo cáo bộ trước ngày 1-1-2023. Nếu DN không bổ sung đầy đủ điều kiện theo quy định và gửi báo cáo rà soát thì phải chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bị thu hồi giấy phép.

Theo nld