leftcenterrightdel
 Không chỉ lao động phổ thông, nhiều kỹ sư cũng ra nước ngoài làm việc

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố 7 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 85.224 người (đạt 77,47% kế hoạch năm). Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 41.139 người, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc; 36.956 người), Hàn Quốc (1.799 người), Trung Quốc (1.024 người), Hungary (802 người), Singapore (800 người), Romania (537 người) và một số thị trường khác.

Thoát cảnh bấp bênh

Thất nghiệp từ đầu năm, xin đi phụ quán ăn cũng không ổn định bởi quán cũng ít khách nên chị Nguyễn Thị Như (33 tuổi, quê Đồng Tháp) ở nhà 3 tháng nay. Thấy bạn bè cùng trang lứa rủ nhau đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nên chị Như đăng ký đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. "Tôi mới biết thời hạn cho lao động thời vụ tăng lên tới 8 tháng và có thể được quay lại khi hết hợp đồng, rất phù hợp với người có con nhỏ như tôi. Bạn bè tôi cũng đang làm bên đó nhiều nên chắc cũng đỡ nhớ nhà nhớ con" - chị Như bày tỏ.

Cùng hoàn cảnh, chị Trần Ngọc Hà (28 tuổi, ngụ TP HCM) quyết định đi XKLĐ để có việc làm. Chị Hà tìm được một công ty chuyên tổ chức đưa lao động sang châu Âu. Với mức phí khoảng 75 triệu đồng và hơn 2 tháng học tiếng, chị đã sang Hungary làm việc tại một nhà máy chế biến thực phẩm. Mức thu nhập 1.550 euro/tháng (gần 40 triệu đồng), trừ chi phí ăn ở, mỗi tháng chị còn dư khoảng 20 triệu đồng.

"Sang đây cơ hội việc làm rất nhiều, chỉ thời tiết là khá khắc nghiệt. Nếu sức khỏe tốt, ngoại ngữ tốt thì có thể làm lâu dài, lương cũng sẽ tăng theo thời gian làm việc. Ở đây họ cũng bố trí việc làm phù hợp cho nam nữ" - chị Hà nói. Thấy công việc ổn định, thu nhập khá, cơ hội làm việc lâu dài nên chị Hà gọi điện thoại về động viên người thân nên chọn sang Hungary làm việc để thoát cảnh công việc bấp bênh trong nước.

Trong khi đó, anh Đặng Văn Đại (32 tuổi, quê Quảng Bình) cũng vừa quay lại Hàn Quốc để làm việc sau gần 1 năm trở về. Anh Đại cho biết cứ tưởng về nước sẽ có việc làm để được gần bố mẹ già và vợ con nhưng tìm không được việc nên anh lại phải đi tiếp. Lần này, anh Đại rủ thêm hai người anh họ đi cùng để có việc làm và thu nhập. "Ở quê tôi giờ nhà nào cũng có người đi XKLĐ, không Nhật Bản thì cũng đi Hàn Quốc, Úc, châu Âu và cả qua Canada. Ai cũng tự tìm hướng đi để mong có việc làm, có tiền gửi về cho gia đình thoát nghèo" - anh Đại nói.

Tìm hiểu kỹ thông tin

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực phái cử lao động, trong khi cơ hội việc làm trong nước đang eo hẹp thì hướng ra nước ngoài làm việc lại rất rộng mở. Nhiều nước phát triển đang thiếu nhân lực trầm trọng và thu hút lao động nước ngoài, trong đó có người lao động (NLĐ) Việt Nam.

Gần đây, nhiều nước đã tìm đến Việt Nam để tìm cách hợp tác lao động. Hy Lạp là cái tên mới nhất của một quốc gia châu Âu mong muốn được tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp. Trong lần thí điểm này, khoảng 150 lao động sẽ được đưa sang Hy Lạp trong vài tháng tới.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Dolab, cho biết tuy 2 nước chưa ký kết thỏa thuận hợp tác lao động nhưng Hy Lạp đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực lao động, việc làm. Mới đây, Dolab đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp để chọn đưa lao động sang Hy Lạp, NLĐ chỉ mất chi phí mua vé máy bay, còn lại nhà tuyển dụng sẽ đài thọ. Đây là hướng đi rất có lợi cho NLĐ bởi rào cản lớn nhất vẫn là chi phí.

Trong khi đó, Úc đã chính thức tăng mức trần lương của NLĐ nhập cư có thị thực kỹ năng nghề tạm thời lên 70.000 AUD/năm (hơn 1 tỉ đồng). Chính phủ Úc cũng xem xét lại toàn bộ hệ thống nhập cư của nước này để tăng tốc tiếp nhận NLĐ có tay nghề cao và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cư trú lâu dài trong bối cảnh Úc đang phải chạy đua cạnh tranh với New Zealand, Đức, Canada để thu hút lao động bên ngoài có tay nghề. Như vậy, cơ hội việc làm ổn định, thu nhập cao, định cư lâu dài cho NLĐ Việt Nam tại xứ sở chuột túi rất rộng mở.

Ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm XKLĐ Mai Linh, cho rằng việc đầu tiên mà NLĐ cần lưu ý trước khi quyết định ra nước ngoài làm việc là tìm hiểu thật kỹ mọi thông tin. Sau đó đánh giá xem năng lực bản thân phù hợp với công việc nào, chịu được thời tiết của nước nào để chọn. "Bước tiếp theo là chọn một doanh nghiệp làm XKLĐ uy tín, song để biết đơn vị nào uy tín thì nên đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi mình sinh sống để tìm hiểu" - ông Bình khuyên.

Xuất hiện doanh nghiệp lừa đảo

Dolab đã đề nghị công an điều tra hành vi vi phạm pháp luật của Công ty TNHH TM Dịch vụ Tư vấn du lịch và Du học quốc tế T&Q và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch L&R. Đây là những công ty đã tổ chức tuyển chọn và thu tiền của NLĐ với cam kết đưa đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trái phép và có dấu hiệu lừa đảo.

Theo nld