Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam, Hàn Quốc đang tạm dừng tuyển lao động từ 49 quận, huyện của Việt Nam, do những địa phương này có nhiều lao động không về nước khi hết hợp đồng.
Trước đó, từ đầu tháng 8/2012 đến ngày 31/12/2013, Hàn Quốc còn tạm dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn Quốc và không tổ chức mới các kỳ thi tiếng Hàn.
Việc Chính phủ Hàn Quốc có phản ứng mạnh như vậy một phần do sức ép từ phe đối lập, khi tỷ lệ thất nghiệp trong nước vẫn ở mức cao và tình trạng lao động bất hợp pháp gây lộn xộn xã hội.
Để giải quyết vấn đề và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lao động Việt Nam sang Xứ sở Kim chi, kể từ khi xảy ra tình trạng lao động bỏ trốn, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động tư vấn pháp luật, tuyên truyền vận động lao động về nước đúng hạn.
Trong cuộc gặp các lao động Việt Nam tại Gimhae mới đây, ông Đặng Sĩ Dũng, đại diện cơ quan quản lý lao động Việt Nam, đã kêu gọi lao động Việt Nam về nước đúng thời hạn khi hết hợp đồng để có cơ hội trở lại đây làm việc hợp pháp với công việc và thu nhập tốt.
Ông cũng cho biết Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã thông báo từ nay cho đến ngày 31/3/2019, những lao động đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, nếu tự nguyện về nước sẽ có cơ hội quay trở lại đây lao động theo hợp đồng mới mà không bị cấm nhập cảnh nữa.
Theo ông, trong thời gian tới, phía Việt Nam cũng như phía Hàn Quốc cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người lao động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình.
Bên cạnh biện pháp tuyên truyền tới người lao động, tác động để các gia đình có người thân đang lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc động viên họ trở về, để siết chặt tình trạng lao động “chui” tại Hàn Quốc. Một số nhà quản lý lao động đề nghị cần kéo dài quy định hay thậm chí nâng mức ký quỹ 100 triệu đồng đối với lao động, đồng thời không trả tiền ký quỹ đối với các lao động bỏ hợp đồng.
Ngoài ra, còn có nhiều giải pháp khả thi khác như giúp các lao động về nước được trở lại Hàn Quốc làm việc hoặc có công việc tốt ở quê hương. Những giải pháp này được nhiều lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đồng tình, mong muốn phía Hàn Quốc có chính sách tuyển dụng lại và ưu tiên tuyển các lao động có kinh nghiệm sống và làm việc trên đất Hàn, tiếng Hàn tốt.
Bên cạnh đó, một giải pháp mang tính then chốt là cần sự hợp tác của các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Trên thực tế, một số chủ lao động Hàn Quốc, vì các lợi ích trước mắt, sẵn sàng thuê lao động Việt Nam bỏ trốn, mặc dù biết rằng việc này là phạm pháp. Khi thuê lao động bất hợp pháp, chủ lao động Hàn Quốc không phải nộp thuế, không phải nộp tiền bảo hiểm cho người lao động, không mất chi phí hay công đào tạo, và có thể thỏa thuận mức lương với người lao động mà không phải trả theo mức mà Chính phủ Hàn Quốc quy định.
Các chủ sử dụng lao động bất hợp pháp thường lập xưởng hay bố trí “nơi ăn chốn ở” cho các lao động ở những vị trí “khuất” như dưới tầng hầm, những nơi hẻo lánh để né tránh sự truy quét của lực lượng chức năng. Bởi vậy, Cơ quan quản lý lao động Hàn Quốc cần xem xét chế tài xử phạt nặng hơn các chủ sử dụng lao động bất hợp pháp.
Hàn Quốc hiện vẫn rất cần nhiều lao động nước ngoài, đặc biệt là các lao động Việt Nam, nhất là trong một số ngành nghề mà các lao động của ta có lợi thế. Triển vọng xuất khẩu lao động Việt Nam sang Xứ sở Kim chi là rất sáng sủa nếu hai bên cùng nhau hợp tác thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hợp lý.
Theo TTXVN/Phunuvietnam.vn