|
|
Cơ quan chức năng khuyến cáo người lao động muốn tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Úc cần chờ thông tin chính thức, không vội vã để tránh bị lừa đảo |
Tháng 3-2024, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Nguyễn Bá Hoan và Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã ký kết kế hoạch thực hiện bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Úc. Theo đó, mỗi năm Úc sẽ tiếp nhận 1.000 lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với mức lương cơ bản từ 3.200 - 4.000 AUD/tháng (khoảng 53 - 66 triệu đồng), dự kiến kế hoạch được thực hiện trong năm nay.
Thu nhập tốt
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, trong năm đầu tiên triển khai chương trình, việc tuyển dụng lao động thông qua 1 đơn vị sự nghiệp công lập và tối đa 6 doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Người lao động (NLĐ) Việt Nam sang Úc làm việc không chỉ có thu nhập tốt, điều kiện làm việc bảo đảm mà còn có cơ hội học tập các kiến thức, kỹ năng, khoa học công nghệ tiên tiến trong ngành nông nghiệp. Đây được xem là dấu mốc quan trọng trong hợp tác lao động giữa Việt Nam và Úc.
Hiện đông đảo NLĐ có nguyện vọng sang Úc làm việc đang chờ thông tin chính thức triển khai chương trình từ Bộ LĐ-TB-XH. Chị Lê Thị Hằng (33 tuổi, quê Đắk Lắk) mong mỏi chương trình sớm được triển khai để tham gia. Chị cho biết cách đây 5 năm là thực tập sinh từ Nhật Bản trở về. Sau đó chị dự định quay lại Nhật Bản nhưng do dịch COVID-19 nên ở lại quê nhà làm rẫy.
Khi biết Úc sắp tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong ngành nông nghiệp, chị quyết tâm học tiếng Anh để nắm bắt cơ hội. "Tôi đã chuẩn bị từ khi biết thông tin ký kết. Tôi thường xuyên cập nhật thông tin xem triển khai như thế nào nhưng đến giờ vẫn chưa thấy" - chị Hằng nói.
Anh Đinh Văn Sang (31 tuổi, quê Bến Tre) làm công nhân nhiều năm nay nhưng thu nhập thấp nên muốn xuất ngoại tìm việc làm tốt hơn. Khi biết thông tin sẽ tuyển 1.000 lao động sang Úc làm nông nghiệp, anh đã tìm hiểu kỹ về chương trình này. Thông qua người cháu đang học tập tại Úc, biết được các yêu cầu về tiếng Anh, sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp được Úc yêu cầu cao nên anh đã chuẩn bị khá kỹ.
"Tôi đã thi được chứng chỉ tiếng Anh IELTS 4.0 và cũng từng học ngành trồng trọt tại Trường CĐ Nông nghiệp Nam Bộ nên cũng có kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp. Giờ chỉ chờ thông tin chi tiết về các tiêu chí tuyển chọn và danh sách công ty được tuyển là tôi nộp hồ sơ ngay" - anh Sang bày tỏ.
Chưa đơn vị nào được cấp phép
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab; Bộ LĐ-TB-XH) Phạm Viết Hương cho biết từ đầu năm đến nay, Dolab đã phối hợp đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tình hình lao động đi làm việc ở nước ngoài theo định kỳ hằng tháng; cảnh báo, ngăn chặn lừa đảo lao động đi làm việc tại một số thị trường, ngành nghề như Úc (trong lĩnh vực nông nghiệp), Hàn Quốc (trong lĩnh vực dịch vụ theo thị thực E9).
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết Việt Nam và Úc đang phối hợp xây dựng tiêu chí đối với đơn vị sự nghiệp, các DN Việt Nam đủ điều kiện để tham gia vào chương trình; đánh giá, lựa chọn, chấp thuận và công bố công khai các đơn vị sự nghiệp, DN được tuyển chọn để NLĐ biết. Đơn vị sự nghiệp, DN Việt Nam không có tên thuộc danh sách nêu trên không được tuyển chọn NLĐ tham gia chương trình. Hiện chưa có tổ chức nào được phép tuyển chọn lao động đi làm việc tại Úc theo bản ghi nhớ đã ký.
Bộ LĐ-TB-XH cũng nhiều lần khuyến cáo tình trạng lừa đảo NLĐ đi làm việc ở nước ngoài xảy ra trên mạng xã hội. Thông tin hướng dẫn và tư vấn cho NLĐ về những chuẩn bị cần thiết và các kênh hay hình thức để bảo đảm NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn, hiệu quả. Về chương trình lao động nông nghiệp Úc, được cả hai bên kỳ vọng rất nhiều nên công tác chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Hiện các cơ quan liên quan được Chính phủ hai nước giao phối hợp triển khai chương trình tích cực, sẽ sớm thông tin đến NLĐ.
Theo ông Nguyễn Như Tuấn, Phó trưởng Phòng Thông tin - Tuyên truyền của Dolab, dù chưa có bất cứ kế hoạch triển khai chính thức nào được thông báo từ Bộ LĐ-TB-XH nhưng thời gian qua đã có NLĐ phản ánh nhiều tổ chức, cá nhân đăng tin quảng cáo đưa lao động sang Úc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều vụ việc đã được cơ quan công an điều tra, khởi tố trong thời gian gần đây khi có dấu hiệu lừa đảo. "Không riêng thị trường Úc, các đối tượng còn đăng tin lừa đảo đưa NLĐ đi làm việc tại New Zealand, Canada, châu Âu... Dolab cũng liên tục cảnh báo về tình trạng này đến các cơ quan chức năng và báo chí để cảnh tỉnh NLĐ" - ông Tuấn nói.
Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng khá tinh vi. Chúng sử dụng trang thông tin cá nhân (Facebook, Zalo) có đăng tải nhiều thông tin hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, như hình ảnh đưa tiễn lao động tại sân bay, NLĐ làm việc ở nước ngoài, hình ảnh chụp với visa của nước tiếp nhận đã được cấp, nhằm tạo uy tín nhưng tất cả đều là hình ảnh cắt ghép giả mạo.
Hàn Quốc mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài
Văn phòng Điều phối chính sách của Chính phủ Hàn Quốc vừa thông báo sẽ cho phép sinh viên nước ngoài tốt nghiệp ở Hàn Quốc nộp đơn xin thị thực lao động không chuyên nghiệp E-9. Theo kế hoạch, thời gian lưu trú đối với người có thị thực D-10, những người đang tìm kiếm việc làm sau khi hoàn thành chương trình đại học ở Hàn Quốc sẽ được kéo dài tối đa 3 năm.
Hiện người có thị thực D-10 được phép ở lại 6 tháng đầu tiên và có thể gia hạn thời hạn chỉ 2 năm. Cha mẹ của sinh viên nước ngoài sẽ được tạo điều kiện nộp đơn xin thị thực lao động thời vụ E-8 để sống cùng nhau. Ngoài sinh viên, Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch mở rộng thị thực E-7-4 của người có thị thực E-9 và E-10 để linh hoạt trong việc làm và ở lại Hàn Quốc lâu hơn.
Theo Dolab, từ đầu năm nay, cả nước đã đưa hơn 78.000 người đi làm việc ở nước ngoài (đạt 62,4% kế hoạch năm). Trong đó, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc tiếp tục là 3 thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam.
N.Huỳnh
|
Theo nld