leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, kiều bào tại Udon Thani, Thái Lan.
Giọng đầy xúc động, bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, kiều bào tại Udon Thani, Thái Lan kể lại ngày kí hiệp định Paris: “Ngày đó, kiều bào Thái Lan chúng tôi theo dõi tin tức Việt Nam qua phát thanh. Ngày Việt Nam kí hiệp định Paris, lúc đó, tôi đang dạy học tiếng Việt. Sau khi biết tin qua đài, cảm xúc đó, tôi không thể nói lên thành lời, nhưng trong tôi trào dâng niềm vui khôn tả.

Buổi tối làm công tác cộng đồng kiều bào, tôi đã chia sẻ thông tin với bà con. Khi ấy tất cả đang như reo vui: 'Đất nước thống nhất rồi, dân ta được tự do rồi”. Mọi người còn nói: “Chỉ tiếc Bác Hồ không còn nữa để chứng kiến ngày thống nhất đất nước này”.

Ngày kí hiệp định Paris là lúc ông Trần Ngọc Phú (kiều bào Pháp) đang học lớp 10 trường Lasan Taberd (Trần Đại Nghĩa ngày nay) ở TP.HCM.

"Lớp 10, đây là tuổi nằm trong lệnh Tổng động viên của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Cho nên khi nghe Hiệp định Paris được ký kết, cảm xúc rất vui mừng. Vì không phải gia nhập quân sự, ra chiến trường, hy sinh vô ích cho ngụy quyền Sài Gòn.

Trong những năm tháng chiến tranh, nhân dân cả hai miền Nam, Bắc đã phải chịu bao đau thương, mất mát, chia lìa. Đến nay, những vết thương chiến tranh vẫn chưa lành hẳn… Bản thân tôi cũng có người thân hy sinh trong cuộc chiến tranh này! Chính vì vậy, tôi hiểu rất rõ "cái giá của hòa bình"! Chiến tranh kết thúc và những thanh niên không phải ra chiến trường, anh em tương tàng, những người mẹ, người vợ không phải mất chồng, mất con, người dân 2 miền Nam Bắc sẽ thống nhất, sống trong hoà bình.
leftcenterrightdel
Ông Trần Ngọc Phú (kiều bào Pháp). 

Hòa bình ở Việt Nam sau bao năm chiến tranh là vô giá, bởi nền hòa bình ấy gắn liền với độc lập, tự do, thống nhất và ngày nay đang đưa đất nước đi tới hạnh phúc, thịnh vượng", ông Phú chia sẻ.

Còn với ông Nguyễn Tài Phương, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, kiều bào Mỹ cho rằng, Hiệp định Paris là một sự kiện cực kỳ trọng đại, ngày cả dân tộc ca khúc khải hoàn. Theo ông, những ai đã sống những năm tháng đất nước bị chia cắt sẽ cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa của thời khắc hòa bình được lập lại.

"Thắng lợi của Hiệp định Paris và Hội nghị Paris đã phản ánh tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý, giành độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam; là minh chứng tất yếu của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới", ông nói.

Còn đối với GS.TS Đặng Lương Mô, một người ở Nhật 40 năm thì chia sẻ: “Ngày kí Hiệp định Paris, tôi đang làm Giám đốc bộ môn nghiên cứu trong tập đoàn Toshiba của Nhật Bản. Tôi nghe thông tin qua báo chí Nhật Bản. Lúc đó tôi mừng lắm. Mừng vì đất nước đã được hòa bình, chiến tranh kết thúc. Mừng cho dân tộc không còn áp bức bóc lột.
leftcenterrightdel
GS.TS Đặng Lương Mô. 

"Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận chính trị,quân sự và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi trên mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam", ông nói.

Theo thoidai