Bài phỏng vấn mới đây của nữ tiến sĩ của một trường đại học nổi tiếng ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) khiến bạn phải mở mang tầm mắt.
Nữ tiến sĩ với yêu cầu chọn bạn đời như trong truyện ngôn tình
Nữ tiến sĩ này sinh năm 1982, hiện đã 40 tuổi. Cô chia sẻ vì bản thân quá chuyên tâm vào chuyện học hành và công việc nên đã bỏ chuyện tình cảm yêu đương.
Cảm thấy tuổi tác không còn nhỏ nên cô đã đưa ra 11 điều kiện chọn bạn đời, hy vọng có thể tìm được đối tượng vừa ý:
1. Người Thượng Hải, căn cước công dân có đầu số 310.
2. Bố mẹ của đối tượng cũng có đầu số căn cước công dân là 310, hưởng lương hưu mỗi tháng thấp nhất 10 nghìn NDT (gần 35 triệu VNĐ).
3. Có học lực đại học trở lên.
Ba điều này đều hợp tình hợp lý vì nữ tiến sĩ có thể không muốn lấy chồng xa nên yêu cầu bạn đời định cư ở Thượng Hải. Bố mẹ chồng có lương hưu giúp giảm nhẹ gánh nặng chi phí dưỡng già. Bản thân cô đã là tiến sĩ nên đòi hỏi đối tượng có bằng cấp đại học cũng dễ hiểu.
Nhưng những điều kiện phía sau càng khiến người ta cảm thấy khó tin:
4. Đẹp trai, mũi cao thẳng, răng trắng và đều, không bị hói đầu, thị lực xuất sắc, không đeo kính, da trắng.
5. Cao hơn 1m80.
6. Thu nhập sau thuế thấp nhất 1 triệu NDT mỗi năm (gần 3,5 tỷ VNĐ).
Những yêu cầu này khiến dân mạng cho rằng nữ giáo sư đang tuyển chồng theo tiêu chí trong truyện ngôn tình mộng mơ. Đã đòi hỏi đối tượng có học lực cao nhưng không được đeo kính thì hơi miễn cưỡng, hà khắc.
7. Sở hữu 3 căn biệt thự độc lập hoặc căn hộ có 3 phòng trở lên và phải được xây dựng sau năm 2011.
8. Có xe hơi, không được thấp hơn 1 triệu NDT giá trị trường.
9. Sinh năm 1980 đến 1982.
10. Có thể làm việc nhà.
11. Chưa từng kết hôn.
Tổng kết từ 11 điều kiện tuyển chồng của vị nữ giáo sư này chính là: Người đàn ông có nhà cao cửa rộng, xe sang, đẹp trai, giàu nứt đố đổ vách, hơn 40 tuổi và có thể làm việc nhà, không đeo kính, độc thân xuất chúng sống tại Thượng Hải.
Một dân mạng bình luận mỉa mai: “Nếu có người đàn ông đủ cả thảy điều kiện này thì tại sao anh ta lại chọn cô mà không tìm mấy cô gái trẻ đẹp hơn?”.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng cô tiến sĩ này cơ bản không muốn kết hôn, nhưng bị gia đình hối thúc nên đã đưa ra danh sách điều kiện hà khắc để hoãn việc cưới hỏi.
Nhưng phụ huynh sau đó đã lên tiếng và khẳng định mọi chuyện hoàn toàn đều do con gái của họ sắp đặt.
Theo đó, nữ tiến sĩ này đã xem cuộc hôn nhân là mối giao dịch, mà không hề nhìn nhận lại bản thân, đánh giá chính mình liệu có thật sự đủ xứng đáng để đưa ra những yêu cầu đó không.
Nữ sinh tuyển đối tượng là đại gia trẻ vì bản thân sở hữu điều kiện vượt trội hơn minh tinh
8 năm trước cũng có một trường hợp tương tự. Trong một chương trình xem mắt của Trung Quốc, một cô gái đã khẳng định bản thân chỉ lấy đại gia trẻ sở hữu tài sản 50 triệu NDT (gần 175 tỷ VNĐ).
“Nếu như tôi không lấy đại gia thì nhan sắc, ngoại hình, phẩm cách tốt đẹp của tôi, thậm chí là linh hồn đều bị hủy hoại”.
Thời điểm phát ngôn, cô gái chỉ mới học đại học năm 2. Hơn nữa cô còn cố tình thi vào đại học Chiết Giang vì nghe rằng sinh viên đều là con nhà giàu có.
Tại chương trình xem mắt, MC đã giới thiệu cho cô người đàn ông có tài sản 20 triệu NDT (gần 70 tỷ VNĐ), nhưng cô không đồng ý vì cho rằng với điều kiện của bản thân còn có thể tìm được người giàu hơn thế.
Cô gái nói: “Tôi thấy mấy nữ minh tinh nổi tiếng còn không đẹp bằng tôi. Tôi cho rằng bản thân không hề thua kém người nổi tiếng, cả về ngoại hình lẫn trí tuệ”.
Chương trình giới thiệu 3 đối tượng, nhưng đều thất bại. Người thì bị cô từ chối vì không có tính cách thú vị. Người thì chủ động từ chối cô gái vì cảm thấy cô quá tầm thường.
Sau khi chương trình được phát sóng, cô gái đã bị dân mạng công kích, mỉa mai vì “không biết tự lượng sức mình”.
Ngay sau đó, cô nhận ra mình đã sai khi tự đánh giá cao bản thân và lên tiếng xin lỗi.
8 năm trôi qua, cô đã thay đổi quan điểm lựa chọn đối tượng, không còn tìm kiếm bạn trai đại gia trẻ.
Hiện tại, cô vẫn độc thân nhưng đã có sự nghiệp của riêng mình. Thời gian rảnh rỗi, cô học tập, vẽ tranh, bắn cung, cưỡi ngựa, không còn bị trói buộc trong chuyện tình cảm hôn nhân.
Cuối cùng, cô gái đã thoát khỏi sự sai lầm khi tự nâng cao giá trị bản thân và trở thành người trưởng thành hơn.
Người thông minh luôn biết tự lượng sức mình
Trong tâm lý học, hiệu ứng sở hữu (tiếng Anh: Endowment effects) đề cập đến một khuynh hướng cảm xúc khiến các cá nhân định giá một đối tượng sở hữu cao hơn, thường là phi lí, so với giá trị thị trường của nó.
Ở đây, nữ tiến sĩ và cô gái đại học Chiết Giang đã tự đánh giá cao bản thân, dẫn đến tình trạng không biết tự lượng sức mình, từ đó mất cân bằng trong nhận thức. Càng tồi tệ hơn là có người không chịu thay đổi bản thân vì chỉ nghĩ rằng họ đã ở đỉnh cao.
Song, cô gái đại học Chiết Giang đã nhận thức được giới hạn và năng lực thực sự của bản thân, đối chiếu vào xã hội để thay đổi. Cô đã làm được điều đó!
Người thông minh thật sự luôn dám đối mặt với hiện thực, chấp nhận ý kiến đánh giá của người xung quanh, không ngừng nhìn nhận lại bản thân để tiến bộ nhanh hơn.
Phan (Nguồn: Zhihu)