Cuộc thi Hoa hậu Hoà bình Việt Nam 2022 - Miss Grand Việt Nam 2022 đã kết thúc nhưng những ồn ào từ chương trình dường như chưa có dấu hiệu ngưng lại.
Cộng đồng mạng đàm tiếu không ngớt về câu hỏi mà thí sinh Ngô Thị Quỳnh Mai (Mai Ngô) đã nhận trong vòng thi ứng xử của top 5. So với 4 câu hỏi của các thí sinh khác, chủ đề mà Mai Ngô nhận được từ á hậu Kiều Loan, thành viên ban giám khảo đưa ra thiên về giáo dục, hướng nghiệp.
Câu hỏi đại ý: "Hiện nay có rất nhiều sinh viên ra trường nhưng không xin được việc làm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp khó tuyển nhân sự. Vậy theo quan điểm của bạn, hiện tượng này là như thế nào?". Độ khó, dễ của câu hỏi tùy thuộc vào trình độ nhận thức, vốn kiến thức của người trả lời nhưng cơ bản, đây là câu hỏi “lạ” hơn nhóm câu hỏi thường thấy tại các cuộc thi hoa hậu, thậm chí tách biệt hẳn so với 4 câu hỏi còn lại.
Khán giả theo dõi cuộc thi lên tiếng, cho rằng câu hỏi không phù hợp. Nhưng từ nhận xét, góp ý đơn thuần, cộng đồng mạng “đẩy” sự việc đi xa hơn. Khán giả giễu nhại người đặt câu hỏi, cho rằng cô không có kiến thức, cố làm hại đồng nghiệp chỉ vì cả 2 từng mặc chung mẫu váy. Chưa dừng lại, một số thành viên cộng đồng mạng quá khích, miệt thị cơ thể của Kiều Loan, nhắc lại hình ảnh xấu xí của cô ngày trước khi phẫu thuật thẩm mỹ.
|
Á hậu Kiều Loan và Mai Ngô đang là nạn nhân của bạo lực mạng xã hội |
Không chỉ “chĩa mũi dùi” vào Kiều Loan, những người thân, gia đình của cô cũng nhận về vô số bình luận không hay trên mạng xã hội. Trước cơn cuồng nộ không thấy hồi kết, Kiều Loan lên tiếng cho biết câu hỏi mà cô đặt ra cho thí sinh trong đêm chung kết đã được thông qua ban tổ chức và ban cố vấn, không phải tự bản thân bốc đồng, đặt mà không suy nghĩ. Cô khẳng định bản thân không “cố tình gây khó dễ” hay “chọn câu hỏi khó nhất đặt cho thí sinh” như mọi người đang suy diễn.
Dưới bài đăng của Kiều Loan, lượng bình luận chỉ trích cay nghiệt liên tục tăng. Cộng đồng mạng cho rằng nếu biết câu hỏi có vấn đề, Kiều Loan phải thông báo ngay với ban tổ chức, đâu thể đọc theo như... một cái máy. Tiếng chửi không ngơi dần dù người trong cuộc chia sẻ chân thành.
Những tưởng chỉ Kiều Loan mới là nạn nhân của bạo lực mạng xã hội, nhưng không, Mai Ngô dù trong vai “nạn nhân” - theo cách nhìn của cộng đồng mạng, cũng chịu trận cơn cuồng nộ của đám đông. Cô được đặt cho danh xưng “Miss Nhân sự”, trở thành đối tượng bị chế giễu trên khắp các diễn đàn. Cộng đồng mạng gọi hành động của họ là để bảo vệ Mai Ngô nhưng rốt cục, điều duy nhất mà Mai Ngô nhận được chính là trở thành chủ đề cho mọi người chọc cười nhau, chia buồn trên sự châm biếm, gọi cô là “cô nàng xui xẻo”, “Miss Không may”...
Việc giám khảo cuộc thi đặt câu hỏi chưa phù hợp, khán giả hoàn toàn có thể nhận xét, bình luận thậm chí yêu cầu ban tổ chức, giám khảo trả lời. Tuy nhiên, thái độ phẫn nộ thái quá, sẵn sàng lăng mạ, chỉ trích người khác vô căn cứ là hành vi thiếu văn minh, cần bị lên án trước khi đi quá xa, để lại những hệ luỵ đáng tiếc.
Đây không phải là lần đầu tiên Mai Ngô, Kiều Loan bị cộng đồng mạng "ném đá", miệt thị vô tội vạ. Cả hai từng lên tiếng và Mai Ngô cũng mang thông điệp này đưa vào cuộc thi nhưng điều đáng nói là sau những lần lên tiếng, mọi sự vẫn bình chân như vại. Nghĩa là cộng đồng mạng gần như đang "ảo tưởng", mặc định về "quyền tự do ngôn luận" của mình. Nghệ sĩ cũng chưa hành động thật mạnh để nhờ pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân. Nếu Kiều Loan, Mai Ngô hành động, lên tiếng quyết liệt hơn và nhờ đến sự can thiệp của pháp luật, có thể, họ sẽ bớt phải chịu những đòn đau một cách vô tội vạ từ cộng đồng mạng.
Theo phụ nữ TPHCM