Rời quán ăn sân vườn 3 tiếng rồi mà Khánh vẫn chưa hết càu nhàu: “Nếu họ gọi nhiều đặc sản vậy thì phải chia tiền ra trả. Mình mời bữa cơm thôi, chứ có nói đãi tôm hấp, sò điệp nướng, cua rang me đâu… Em làm vậy có gì quá đáng?”.
Rồi thì cô quay sang trách móc Hùng không biết chọn bạn mà chơi, nhóm bạn nào cũng giống nhóm bạn nào, mấy lần vậy mà còn chưa tỉnh ngộ… Hùng giận vợ, đúng là mấy lần anh mời bạn đi ăn, Khánh cũng làm cách nào đó mà mọi người cùng chia tiền trả. Bạn bè đã đành, anh chị em ruột Khánh cũng tính toán sòng phẳng tới nơi, tới chốn.
|
|
Từ cô gái tiết kiệm, Khánh trở nên tính toán đến bủn xỉn và keo kiệt (ảnh minh họa) |
Cách đây hơn 6 năm, để mừng Hùng lên chức tổ trưởng tổ sản xuất, vợ chồng họ mời bạn tới quán nhậu bình dân. Ban đầu Hùng dự tính chỉ có 8 người trong tổ và Khánh. Nhưng rồi, mấy anh đồng nghiệp bỗng hứng chí gọi thêm 6 người nữa qua chơi. Thế là cặp vợ chồng trẻ bối rối.
Khánh nhanh nhẹn hội ý đồng nghiệp của chồng để tìm cách giải quyết ổn thỏa. Thời đó, chuyện "share tiền" còn hiếm, hầu như ai mời thì phải đãi bạn tận cùng. Nhưng Khánh và Hùng còn khó khăn, nên quyết định của Khánh đã cứu nguy hầu bao của gia đình nhỏ nửa tháng trời.
Sau bữa tiệc, bạn bè của Hùng mỗi lần nhắc Khánh đều khen cô tỉ mỉ, giỏi giữ hầu bao cho chồng. Thâm tâm Hùng nghĩ phải cố gắng nhiều hơn để vợ mình không phải lặp lại câu chuyện ấy. Thế nhưng không phải lần thứ hai, mà hầu như sau này, bất cứ lần nào Khánh cũng yêu cầu mọi người chia tiền như thế.
Những ngày tháng chung sống, Hùng nhận ra Khánh hà tiện đến mức khủng khiếp. Mỗi sáng Khánh dậy từ 4 giờ, lò mò xuống bếp mở cửa nhà cửa sổ, mượn ánh sáng trời nấu cơm. Có hôm mưa mù trời, cô vẫn không bật đèn.
Nhà có máy lạnh, nhưng chỉ đường dùng từ 8 giờ tối đến 11 giờ đêm. Sau đó, cô tắt hết nguồn để cả nhà đi ngủ. Hôm nào con trai hứng chí tắm lâu, xả nước mạnh, cô đều la mắng con.
Nhà không thiếu chén đũa, nhưng nấu ăn xong, Khánh bê nguyên nồi, chảo để đầy mặt bàn để ăn. Cô cứ nhắc với các con, khi còn khó khăn, vợ chồng cùng húp chung nồi mì gói, có phải rửa cái chén nào đâu.
Cô còn nói: “Ba thấy mẹ thông minh không? Đỡ mất công, tốn nước, tốn nước rửa chén…”. Cô dạy con quần jean mặc 5 lần mới giặt, quần áo ngủ, toàn mùi của mình, mặc lại hôm sau cũng không sao.
Nhiều lần cô khoe với Hùng: “Cả năm nay em chẳng mua sắm gì, bọn bạn bỏ ra món gì em mặc nấy”.
Có khi ba mẹ Hùng ghé nhà chơi, cùng ăn cơm, Khánh vẫn tỉnh bơ làm theo kiểu của mình, còn khoe với ba mẹ về tinh thần tiết kiệm. Hùng để ý, có mấy lần mẹ anh kêu Khánh ra nói nhỏ như là góp ý riêng, thì cô la toáng lên: “Ối mẹ ơi, cần bày vẽ hình thức làm gì! Con quan trọng nhất là thức ăn có đủ chất dinh dưỡng không, khẩu vị bữa cơm có vừa miệng cả nhà không kìa!”.
Đêm tiệc mừng ở quán ăn sân vườn trở về, để mặc Khánh giận dỗi bỏ lên lầu, dưới nhà, Hùng bật hết bóng điện lên. Đèn đóm bừng lên, Hùng ngơ ngác nhìn tổ ấm của mình. Đúng là toàn đồ dùng tiện nghi, giá trị, nhưng cái nọ xọ cái kia, không ra một chút thẩm mỹ nào. Cứ ai bỏ ra đồ gia dụng, nội thất nào, Khánh cũng khuân về, “cũ người mới ta”, “nhà mình còn thiếu, còn trống chỗ”.
Hùng tự hỏi, vì sao bây giờ anh thu nhập hơn 50 triêu đồng một tháng, Khánh cũng có chuỗi cửa hàng riêng doanh thu mỗi ngày đến vài triệu đồng mà cả anh, Khánh và các con cứ mãi dùng đồ thừa của người khác? Rằng anh sẽ còn chịu đựng người vợ hà tiện... toàn diện như vậy đến bao lâu nữa?
Theo phụ nữ TPHCM