Xóm tôi có cặp vợ chồng nọ, ông là công chức, vợ làm kế toán một công ty lớn. Trong mắt nhiều người, họ là một đôi yên ổn. Nói “yên ổn” vì chưa bao giờ thấy họ cãi nhau, to tiếng với nhau. Họ luôn xuất hiện với dáng vẻ điềm đạm, chừng mực, vừa phải; không hẳn là lạnh nhạt, nhưng cũng không phải là nồng ấm bên nhau. Dù sánh bước cùng nhau hay ngồi chung trên một chiếc xe, họ vẫn cho người quan sát một cảm giác bình lặng, trầm ổn chứ không phải là hạnh phúc.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Đùng một cái, họ đưa nhau ra tòa ly hôn. Lý do đơn giản và cũng vô cùng quen thuộc là không hợp nhau. Bí mật chỉ được bật mí khi người con gái kể rằng ba mẹ cô cả đời chưa từng cãi nhau, vì đơn giản họ chưa bao giờ thật sự trò chuyện và chú tâm vào một câu chuyện chung. Nói cho dễ hiểu, họ không có mối bận tâm chung nào đủ để cùng bàn bạc, cùng vui sướng hay cùng tức giận, cùng cãi nhau. Mỗi người có một cuộc sống riêng, dù sống chung nhà, ngủ chung giường.

Cũng trong xóm nhỏ ấy, có cặp vợ chồng khác lại cãi nhau thường xuyên. Là dân trí thức, những cuộc cãi vã giữa họ không ồn ào, nhưng cũng đủ để hàng xóm biết được họ luôn có thứ để nói với nhau. Hôm thì họ cãi vì không đồng quan điểm việc sơn lại căn nhà, hôm khác tranh luận tưng bừng vì cách dạy con, hôm khác nữa lại cãi vì chuyện trồng cây gì trong vườn nhà. Có lần, tôi nói với cô vợ: “Toàn chuyện cỏn con, sao mỗi người không nhịn nhau một câu cho xong?”. Cô đáp: “Giữ trong bụng chi cho mệt. Có gì không ưng ý thì vợ chồng em cứ nói, tới chừng nào hiểu nhau thì thôi”.

Nghe cô vợ nói tôi mới hiểu, thì ra lâu nay họ đâu có cãi nhau mà “thường xuyên tranh luận” cùng nhau. Không ít đôi cho rằng, việc né tránh tranh luận những vấn đề dù lớn hay nhỏ, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm, sẽ giúp giữ hòa khí trong gia đình. Tuy nhiên suy nghĩ ấy chưa chắc đã đúng. Khỏa lấp, che giấu vấn đề không thể giải quyết triệt để vấn đề. Càng bị vùi lấp lâu ngày, mối bất đồng càng lớn và đến một ngày sẽ bùng nổ. Tranh luận thường xuyên để giải quyết gút mắc được xem là cách “cãi nhau lành mạnh”, có tác dụng tích cực trong việc giúp thấu hiểu lẫn nhau giữa các đôi.

Như vậy, cãi nhau cũng có cái hay, nếu biết cãi nhau đúng cách. Bằng kinh nghiệm của mình và tham khảo của một số bạn bè, tôi mạnh dạn rút ra một số điểm như sau:

Thứ nhất, vợ chồng không nên cãi nhau trước mặt người khác. Có chuyện gì bất ý, vợ chồng nên đóng cửa bảo nhau, tranh luận tùy thích. Chuyện chứng kiến của người thứ ba, thậm chí là người thân, con cái trong nhà, không mang lại lợi ích gì. Những nhận xét, bình phẩm, đánh giá của người thứ ba là không cần thiết, thậm chí có thể khoét sâu thêm mâu thuẫn khi 2 nhân vật chính đã làm lành với nhau.

Thứ hai, khi cãi nhau, tránh nhắc lại chuyện cũ. Cố gắng tranh luận về một vấn đề cụ thể trước mắt và gói gọn mọi thứ trong vấn đề đó. Những câu chuyện dắt dây, những sai lầm trong quá khứ của người này bị người kia đem ra nhắc lại sẽ đẩy cuộc tranh luận đi xa khỏi xuất phát điểm.

Thứ ba, cãi nhau là để tìm giải pháp, không phải để tranh thắng thua. Điều này quan trọng nhất và cũng khó thực hiện nhất. Khi sa vào cuộc tranh cãi, chúng ta dễ có khuynh hướng cãi lấy được để giành phần thắng. Hãy tâm niệm: mục đích cuối cùng của tranh luận là hòa giải, tranh cãi để hiểu nhau hơn, để tìm ra giải pháp tốt nhất. Vợ chồng có tranh cãi kịch liệt cỡ nào thì cãi xong vẫn là vợ chồng. Đừng bước vào cuộc cãi nhau với tâm thế cãi xong thì đường ai nấy đi. Việc chủ động chịu thua, chủ động xin lỗi đôi khi không chứng minh ta là kẻ thua cuộc, mà đơn giản chỉ vì chúng ta không muốn kéo dài cuộc tranh cãi và làm tổn thương người mình yêu thương.

Theo phụ nữ TPHCM