Sau lần tâm sự cùng em trai, tôi mạnh dạn nói với cha: “Cha giữ tiền để làm gì? Hàng tháng cha đưa một ít để vợ chồng em lo chuyện ăn uống thuốc thang nha cha?”.

Tôi cứ nghĩ cha sẽ suy nghĩ đắn đo trước đề nghị của tôi, nào ngờ ông lên giọng gắt gỏng ngay: “Người xưa nói cấm có sai. "Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày". Giờ chúng mày còn nhòm ngó vào túi tiền của thân già này nữa, đúng là vô phước mà”.

Cha nói vậy, tôi chỉ biết im lặng, nghĩ lại câu chuyện cùng em trai mà rơi nước mắt.

Cha tích luỹ tiền để sau này vào viện dưỡng lão. (hình minh hoạ)
Cha tích luỹ tiền để sau này vào viện dưỡng lão (hình minh hoạ)

Năm nay cha tôi 75 tuổi, đang sống cùng vợ chồng em trai. Nhà tôi có 3 chị em, em gái lấy chồng xa còn tôi ở gần nhà cha mẹ. Cách đây 5 năm, mẹ tôi qua đời sau một thời gian dài điều trị bệnh nan y. Khoảng thời gian mẹ nằm viện như đã rút cạn sức lực và nguồn kinh tế của gia đình.

Vợ chồng em trai chỉ là nhân viên và buôn bán lặt vặt nên thu nhập không cao, gắng lắm mới đủ chi phí sinh hoạt. Tôi lấy chồng, lại mang gánh nặng nhà chồng nên không phụ giúp được nhiều. Khi mẹ qua đời, em trai tôi gánh khoản nợ hơn 100 triệu đồng chi phí điều trị cho bà. Trong khi con cái xoay sở nợ nần thì cha gần như đứng ngoài cuộc.

Ngày trước, cha làm việc trong ngành kiểm lâm, hiện tại ông có lương hưu gần 10 triệu đồng một tháng. Ngoài ra, tôi được biết cha có khoản tiền tiết kiệm gửi ngân hàng. Vậy nhưng khi mẹ ốm, cha không phụ giúp tiền bạc chữa trị và sống cùng con cũng không đưa đồng nào. Cha luôn nói con cái phải có trách nhiệm báo hiếu cha mẹ, nghĩa là phải chăm lo toàn bộ.

Cuộc sống của gia đình em trai càng khó khăn khi vỡ kế hoạch sinh thêm đứa con thứ 3. Em không dám than vãn với cha vì mỗi lần như thế cha sẽ nói con cái bất hiếu với lời lẽ rất khó nghe. Cha nghĩ sau này nhà cửa đất đai sẽ để lại cho em trai nên giờ “nuôi” cha là điều đương nhiên. Không ít lần chị em tôi góp ý về chuyện này, cha đều có thái độ hằn học, khó chịu.

Gần đây, tôi mới biết cha đã tính toán kế hoạch khác cho những năm tháng tuổi già về sau. Cha muốn tích luỹ tiền để vài năm nữa sẽ vào viện dưỡng lão và không sống chung cùng con. Ngoài ra, cha cũng mua đất nghĩa trang, thuê người xây mộ phần sẵn để sau này có chỗ an nghỉ. Cha thường kể với họ hàng, đừng tin tưởng mà giao hết tiền bạc cho con, đến khi trắng tay bị bạc đãi sẽ rất khổ.

Tôi suy nghĩ rất nhiều khi biết dự định của cha. (hình minh hoạ)
Tôi suy nghĩ rất nhiều khi biết dự định của cha (hình minh hoạ)

Khi biết chuyện này, thực lòng tôi rất buồn vì cứ nghĩ tình cảm gia đình ngày càng xa cách. Tôi hiểu cha cũng có cái lý của ông, nhưng làm như vậy thì còn đâu là người một nhà. Nhưng khi kể chuyện này với cô giáo cũ, tôi lại nhận được lời khuyên hãy để cha làm theo ý nguyện của bản thân. Ít nhất cha cũng không muốn mình trở thành gánh nặng của con cái, tự vun vén để lo cho tuổi già, đấy là điều đáng mừng. Mặc dù việc ông không hỗ trợ hay đóng góp gì khi sống cùng vợ chồng em trai khiến chúng tôi khó khăn, nhưng nhìn nhận vấn đề ở góc rộng hơn sẽ thấy chị em tôi may mắn hơn biết bao người.

Theo phụ nữ TPHCM