Thân gửi chị Hạnh Dung.
Em và chồng đến với nhau qua mai mối. Chúng em tìm hiểu nhau 1 năm rồi mới cưới, nhưng có vẻ như tình cảm của em với chồng chưa đủ chín thì đã đi đến hôn nhân.
Lúc mới tìm hiểu, em đã rất thẳng thắn bày tỏ quan điểm về tài chính, việc nhà, hay cách giáo dục con cái sau khi kết hôn... Anh đều tán thành. Vì thế em quyết định yêu anh và nghĩ mình đã tìm được người biết chia sẻ và thấu hiểu trong cuộc hôn nhân sau này.
Chồng em không đẹp trai, không tài giỏi. Anh là con trưởng trong họ, điều kiện gia đình cũng chỉ cơ bản. Điểm cộng là nề nếp gia phong tốt... Nhưng lúc đó em vẫn ngây thơ nghĩ rằng tiền thì mình có thể kiếm ra được. Em cũng tự tin là làm dâu trưởng sống cùng bố mẹ chồng không khó, em cáng đáng được.
Thế nhưng, 2 tháng trước khi cưới, chồng em bị lừa qua online vài trăm triệu, và thế là tiền mừng và vàng cưới gia đình hai bên cho cũng chỉ đủ trả nợ.
Sau khi kết hôn, em lạc lõng giữa gia đình chồng, chật vật thích ứng với môi trường mới. Nhưng em chính thức vỡ mộng là lúc phát hiện chồng không hề yêu em, không quan tâm hỏi han hay tình cảm như lúc chưa cưới, không chia sẻ việc nhà hay trách nhiệm.
Em đã chọn nhầm người, tình cảm của em với chồng cũng cạn dần. Không có kết nối tình cảm, em quay ra ngán ngẩm người chồng kiếm tiền ít, và so đo thiệt hơn những hi sinh của mình cho chồng và nhà chồng. Em nhớ mong cuộc sống đầy đủ điều kiện trước đây khi ở nhà mẹ đẻ.
Em hiện đã mang thai, nhưng tình hình cũng chả khá hơn. Em thấy chán chường và không thấy cân bằng trong cuộc sống. Em trở nên khó chịu vì mong chồng chia sẻ việc nhà cũng khó vô cùng. Anh vô tâm đã đành, nhưng mẹ chồng cũng cản trở và bao bọc con trai.
Em đánh giá cao sức chịu đựng của bản thân vì người em yêu nhất lúc này là chính mình mà không còn là chồng em. Em hối hận nhưng biết không thể làm lại, chán ghét mà không thể buông, muốn giận dỗi nhưng chồng em cũng không có gì quá đáng.
Chị Hạnh Dung ơi em nên làm gì bây giờ? Chị giúp em thoát khỏi tâm lý bế tắc bây giờ với.
Nguyễn Trang
Em Nguyễn Trang thân mến,
Theo các nhà khoa học, thời kỳ mang thai là giai đoạn mà chị em gặp phải những áp lực lớn từ nhiều phía, như gia đình, công việc,… Nội tiết tố thay đổi khiến họ nhạy cảm hơn, khả năng chịu áp lực giảm. Họ thường lo lắng, sợ hãi, đôi khi có cảm giác thất vọng về bản thân, về người thân. Em có thấy những trạng thái này giống mình không?
Em và chồng là hôn nhân mai mối, điểm tốt của việc mai mối này là đã có một người có thể "bảo chứng" phần nào cho sự đàng hoàng, nghiêm túc của cả hai bên.
Điều thứ hai là các em dù được giới thiệu, nhưng không kết hôn ngay lập tức, mà đã có 1 năm tìm hiểu. Đó là thời gian đủ cho hai người trưởng thành có những hiểu biết căn bản về nhau, để nghiêm túc đi đến hôn nhân.
Tất cả những khó khăn lúc đó cũng đều đã bày ra trước mắt em, từ việc chồng không kiếm ra nhiều tiền, cho đến việc làm dâu. Và em nghĩ rằng em có thể chấp nhận, giải quyết được mọi vấn đề đó. Nhưng khi những vấn đề đó là hiện thực, thì em lại cảm thấy bế tắc, ngán ngẩm chồng, so đo sự hy sinh cố gắng, và ân hận vì đã chọn nhầm người để gắn bó.
Em hãy nhìn lại em bây giờ và em của lúc quyết định lấy chồng, xem mình có thực sự nhầm lẫn hay không? Hay chỉ là giờ đây mình đang yếu lòng, đang mệt mỏi, đang đánh mất năng lượng của chính mình?
Em đã từng thành thật với chồng về những mong muốn của em, suy nghĩ của em về cuộc sống gia đình và chồng đã chấp nhận. Vậy bây giờ, em hãy bày tỏ cho chồng biết những thất vọng của em về việc cuộc sống em mơ ước đó không thành hiện thực, và yêu cầu ở chồng sự thay đổi.
Ở chung với nhà chồng có thể là quá khó trong giai đọan nhạy cảm này, em có thể xin về nhà mẹ đẻ, để dưỡng thai và sinh con. Lâu dài hơn nữa, em có thể yêu cầu chồng xin ra ở riêng, thuê nhà hay nhờ sự giúp sức của gia đình hai bên để mua nhà...
Tất cả những việc đó đều có thể làm được và phải làm, nếu em đã nhìn thấy chồng em chẳng có gì quá đáng để phải chia tay. Nhưng tất nhiên, không phải làm những việc đó ngay lúc này, khi em đang có thai gần tới ngày sinh nở.
Việc trước mắt của em là hãy bình tĩnh, trấn an mình, xem xét lại mọi vấn đề và nghĩ cách từ từ thực hiện nó. Hãy mạnh mẽ thay đổi mọi việc để cuộc sống tốt đẹp hơn. Em phải đưa con người mạnh mẽ và đầy hy vọng trước kia quay trở lại với mình, ít ra không vì em thì cũng vì con.
Sức khỏe của con, nụ cười và nét mặt bình an của con trẻ sau này phụ thuộc rất nhiều vào tâm trạng của người mẹ khi mang thai. Đó là động lực để em phải chiến đấu với chính mình để thoát khỏi cái ngõ cụt mà em cho là bế tắc đấy.
Theo phụ nữ TPHCM