Mấy ngày nay, mạng xã hội xôn xao câu chuyện một nữ nghệ sĩ tuổi về chiều trách giận chồng con. Nhiều người xót xa than rằng chuyện nhân tình thế thái buồn quá đi thôi… Bởi lẽ ra ở độ tuổi này, chị phải được hưởng sự an ổn, vui vầy bên gia đình, con cháu, đằng này lại đơn độc một mình, với bao oán hận.
|
Nỗi cô độc này ai nhìn cũng phải xót xa đau... |
Một người bạn thân của tôi kể rằng, từ khi còn trẻ, mỗi lần có chuyện không vừa lòng với con cái, mẹ chị ấy lại sử dụng cụm từ quyền lực: “Tao có chết chúng mày cũng đừng qua đây, không cần lo thờ cúng gì đâu”.
Bạn tôi cười buồn nói rằng, càng về sau, mẹ chị lại càng hay mang chuyện sống chết ra để hằn học, đay nghiến khi chẳng được như ý. Riết rồi không ai dám làm gì trái ý bà.
Bạn tôi đành tự an ủi là, ai dám chắc mai này chúng ta không “trái tính trái nết”. Nên thôi, hãy cố gắng thông cảm, nhẫn nhịn. Hơn thua với cha mẹ hoặc người thân, cũng chẳng ích gì, chỉ chuốc lấy hối hận và day dứt về sau.
Chúng ta, những người đang sở hữu tuổi trẻ, còn đi làm, có sức khỏe, sở thích, đam mê và tiền bạc, có nhiều bạn bè và những cuộc vui, thường nhìn về cha mẹ hoặc thế hệ người già với ít nhiều khó hiểu… Sao ông bà lại kỳ cục cố chấp, hay bắt bẻ, dễ tự ái tới mức này? Đâu đó có những đứa con còn thêm ý nghĩ: Cha mẹ đã làm gì để bây giờ không thể chủ động cuộc sống, bấu víu vào con cháu, vốn cũng đang nhiều gánh nặng…
Rồi khi nhiều tuổi hơn, chúng ta sẽ thấm dần sự cô độc khi con cái đủ lông đủ cánh bay đi, có cuộc đời riêng cùng rất nhiều bận tâm riêng. Khi đó, ta sẽ hiểu hơn về cảm nhận của cha mẹ già, những người kỳ vọng, trông mong ở chúng ta một cách vô thức… Cứ nói không cần con quan tâm để ý tới mình, nhưng rồi tới một độ tuổi nào đó, sự hoang mang sẽ khiến chúng ta cũng giống như mọi người già ngồi cửa ngóng chờ con.
Xã hội Á châu vẫn nặng nề với quan niệm "già cậy con" và thế hệ sau có ai không mong có thể hiếu thuận, trọn vẹn với đấng sinh thành. Nhưng ngày nay, cuộc sống quá nhiều khó khăn và những đứa con thờ ơ vô cảm cũng là một dạng "sản phẩm xã hội". Không ít cha mẹ xem con cái là hình thức “bỏ ống heo” cho mai này đã không bao giờ được dùng số vốn họ chắt chịu dành dụm.
Thực tế vốn đầy khắc nghiệt, tỷ lệ người già hưởng lương hưu để có thể sống mạnh khỏe, ung dung, thoải mái và độc lập quanh chúng ta không nhiều. Rất nhiều ông cụ bà cụ sống trong tâm thế oán trách, giận dỗi con cháu, chì chiết bạn đời…
Buông bỏ rất khó, nhưng chấp niệm nhiều quá thì khổ mình. Không phải trong cuộc thì nói rất dễ, nhưng hoàn cảnh gia đình ly tán, kinh tế ngặt nghèo dễ khiến cho mọi thứ trở nên càng nghiệt ngã…
Giải pháp nào để tránh tuổi già nghèo khó và cô độc? Tôi nghĩ, có lẽ là sự chuẩn bị. Mỗi người cần nhận thức về sự độc lập của chính mình; từ lúc còn trẻ đã phải cố gắng làm lụng, tích cóp, hướng về tương lai, để không phải đẩy mình vào thế phụ thuộc, đòi hỏi vào sự nâng đỡ, hỗ trợ của chồng hoặc vợ. Ngay cả khi các biến cố cuộc đời xuất hiện, cũng có thể tự đương đầu. Dù gãy gánh ly hôn hoặc con cái vô tâm, rời bỏ, cũng không tới mức điêu đứng...
Theo phụ nữ TPHCM