2 chị chơi với nhau mấy chục năm, thân thiết như người nhà, đôi bên gia đình có việc gì đều chia sẻ, tâm sự với nhau. Một sáng sớm, chị A. nhắn cho chị B. tỏ rất hào hứng về việc doanh thu một bộ phim đang tiến đến mốc 500 tỷ đồng, càng chiếu càng nóng. Kèm theo đó là một số đường dẫn bài viết ca ngợi bộ phim.
|
|
Đầu ngày mở máy là vào mạng |
Chị B. nhắn lại một câu vô tư: “Bữa giờ tui không quan tâm luôn”. Chị không hề có ý gì, nhưng câu ấy làm chị A. nổi nóng, mất kiểm soát.
Mà đúng vậy, chị B. nào giờ không thích hiệu ứng đám đông ồn ào. Những tin “hot”, thường chị chỉ đọc qua cho biết là có hiện tượng vậy rồi thôi, không sa vào tranh luận, đả kích hay ủng hộ.
Chị A. nhắn liền sau đó: “Bà là người đã chết về mặt xã hội. Đây là một dạng bệnh tâm thần khá nguy hiểm. Người ta nhìn thế giới hoang vắng như một thứ non bồng nước nhược vậy. Kiểu như mọi người đi tàu điện ngầm còn mình thì ngồi xe buýt”.
Chị B. hơi sững một chút, xong trấn tĩnh lại chị nhắn: “Ơ hay, tại sao lại bắt tui phải rồ lên vì một chuyện tui không quan tâm, trong khi đó tui còn bao việc để làm, bao thứ để xem”.
Chà, căng rồi đây. Chị A. nhắn tiếp: “Những người mất trí lang thang suốt ngày ngoài đường, ngó này, ngó kia, ngó cả rác rến. Nhưng đừng nói họ quan tâm cái gì. Ánh mắt ngây dại của họ chỉ đang nhìn vào cõi hư vô. Hư vô của tâm hồn. Nghe họ nói chuyện hay viết status là biết ngay”.
"Ui là trời!", chị B. tự than một mình, xong chị nhắn: “Bà nói gì tui chẳng hiểu luôn. Cái gì mà quá lên đều mất kiểm soát đó”.
Chị A.: “Mất kiểm soát là khái niệm chung chung. Những người không hiểu vấn đề thật khó đồng cảm”.
Chị B. không muốn tiếp tục nữa. Nếu không phải là bạn bè lâu nay, chị đã block chị A. thẳng tay rồi. Nhưng thôi, im lặng là vàng.
Sau đó, chị thấy trên Facebook của chị A. hàng loạt những bài viết nội dung khen bộ phim đang hot, từ của những người nổi tiếng cho đến người bình thường. Thật tình, từ tết đến giờ chị không quan tâm chuyện phim ảnh đang sốt ngoài đời và trên mạng. Chị không đọc cả bài khen lẫn bài chê, vì chị không có thời gian sa lầy vào những tranh cãi.
|
|
Những câu chuyện, tin tức trên mạng xã hội được người ta quan tâm, theo dõi hàng ngày, hàng giờ |
Theo ý chị, mỗi người đều có quyền thích hay không thích thứ gì đó theo quan niệm riêng của họ, không ai ép ai buộc người khác phải theo ý thích của mình. Nhưng ở trường hợp này, chị không ngờ người bạn của mình lại đang rơi vào cái mê trận như vậy.
Nhìn chung, Facebook thể hiện “sự độc tài” này rất rõ. Một người đưa vấn đề gì lên Facebook đều muốn nhận được lời khen, càng có cánh càng dễ chịu. Một lời chê, trước tiên là sự khó chịu nhẹ, sau đó suy nghĩ rộng ra thêm: họ chê vậy là có ý gì, status đó của mình đáng bị chê hay vì họ ganh ghét mình nên buông lời khiếm nhã cho mình bẽ mặt?
Lại có những người thích “sửa lưng” người khác. Cứ có status nào của bạn bè là vô bình luận, nhẹ nhất là câu giễu cợt, nặng nhất thậm chí chê người khác là “dốt”. Chỉ là chơi, nhưng xung quanh trang Facebook có rất nhiều vấn đề để người ta mổ xẻ, nói xấu nhau.
Vừa lúc đó, chị B. thấy một status của một người quen, kể về những điều người ấy học được từ Facebook như: Học được kiến thức khi họ chia sẻ, học được tính khiêm nhường, đọc được tâm tánh của những người bạn một thời rất thân, đọc được nỗi đau của người đời để hiểu rằng mình đã quá hạnh phúc và trân trọng những gì mình có được. Học được rất nhiều từ những người khoe mẽ để mình khiêm tốn hơn. Nhìn thấy người GATO để mình đừng GATO với bất cứ ai…
Chị B. nhủ thầm, biết là cần phải chọn lọc mà đọc, mà chơi. Thế nhưng, không phải ai cũng tìm được mặt tích cực của Facebook để học hỏi hay cho cuộc sống nhẹ nhàng...
Theo phụ nữ TPHCM