Con năm nay học lớp Chín. Bà ngoại con kể rằng mẹ con sinh ra con khi mẹ vừa tốt nghiệp phổ thông và ba con khi ấy đang học đại học. Bà ngoại là người nuôi con từ nhỏ, nói đúng hơn là nuôi cả nhà con, vì cả ba và mẹ con hồi đó chưa đi làm và chưa có thu nhập.

Khi con lên cấp II, ba mẹ được nhận vào làm việc ở công ty và ra ở riêng. Kể từ đó, nhà con “nội chiến” liên miên. Ba mẹ đụng chuyện gì cũng gây gổ và lôi con vào cuộc, biến con thành trọng tài bất đắc dĩ. Nhiều hôm con đi học với cái bụng rỗng vì ba mẹ còn mải cãi nhau, giận nhau, chẳng ai lo cơm nước. Mọi người khuyên giải nhiều nhưng chỉ được vài ngày rồi ba mẹ đâu lại vào đấy, bảo rằng “khắc khẩu, kỵ tuổi, không hợp phong thủy”…

Có cách nào để hòa giải và giúp các đấng sinh thành của con hạ vũ khí xuống không ạ?

Một nam sinh giấu tên

(quận 1, TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mới lên lớp Chín mà cháu đã gánh trọng trách làm trưởng ban hòa giải gia đình, quả là nhiều khó khăn. Ủng hộ ba thì áy náy với mẹ, bênh vực mẹ thì mất lòng ba, mà đã là trọng tài thì phải khách quan, công bằng và đúng luật. Vậy thì cháu hãy nắm ngay cơ hội, đề ra nguyên tắc và thực thi công lý.

Trước tiên, lựa lúc sóng yên biển lặng đề nghị ba mẹ mở cuộc họp giữa 3 bên, nêu ra nguyện vọng của cháu. Cháu đang học lớp Chín - năm bản lề quan trọng để chuyển cấp lên THPT. Kết quả tốt nghiệp sẽ quyết định hướng nghiệp của cháu mai sau, cháu cần ba mẹ hỗ trợ, tạo điều kiện và động lực cho cháu phấn đấu.

Sau đó, cháu phân tích điều hơn lẽ thiệt cho ba mẹ (nếu cần, ghi lại thành bản tóm tắt): từ nay, nguyên tắc xử lý các cuộc đấu khẩu trong nhà được chia thành các mức độ và giải pháp:

1. Bất đồng ý kiến không cần phải giải quyết: quan điểm khác nhau về luật lệ trong cộng đồng, xã hội/ý kiến khác nhau về thời tiết hay cảnh thiên nhiên, về những tin tức trên báo chí, truyền thanh, truyền hình…

Đây là những điều không liên quan trực tiếp đến đời sống gia đình hay quan hệ vợ chồng. 2 người có quan điểm khác nhau vẫn có thể sống hòa thuận.

2. Bất đồng ý kiến cần tìm thỏa thuận chung không tốn nhiều thì giờ công sức hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của cả nhà (vợ muốn ăn cơm sớm, chồng muốn trễ; chồng thích ăn thịt, vợ thích rau; chồng muốn đi nghỉ hè nơi này, vợ muốn nơi khác; chồng xài tiền rộng rãi, vợ tính toán kỹ lưỡng...).

Điều này cần tìm tiếng nói chung: mỗi người nên giải thích ý mình, 2 bên nhường nhau một chút là giải quyết được vấn đề.

3. Bất đồng cần giải quyết đến nơi đến chốn, nếu không sẽ dẫn đến sứt mẻ tình cảm hoặc đổ vỡ hôn nhân. Chẳng hạn vấn đề quan trọng, căn bản cho hạnh phúc gia đình như mục tiêu cho cuộc đời, những giá trị đạo đức, thứ tự ưu tiên trong đời sống, niềm tin của mỗi người, cách dạy dỗ con cái, cách sử dụng tiền bạc, thì giờ, cách ứng xử với gia đình đôi bên...

Ba mẹ cần bàn thảo cởi mở để đi đến quyết định chung, với sự đồng ý của đôi bên. Hãy ưu tiên dành thì giờ trao đổi kỹ lưỡng và bình tĩnh (vợ chồng cần có chung niềm tin; cách sử dụng tiền bạc, thì giờ; cách đặt thứ tự ưu tiên trong đời sống; quan hệ với ba mẹ, bạn bè cũ; quan tâm đến việc học hành thi cử của con…).

Từ đó, mỗi khi cuộc chiến manh nha, gia đình cháu cần xét xem ý kiến khác biệt nào không cần giải quyết; những khác biệt nào có thể đi đến thỏa thuận dễ dàng; giữa 2 người có bất đồng ý kiến nào quan trọng, cần giải quyết đến nơi đến chốn để giữ sự hiệp nhất và củng cố hạnh phúc gia đình...

Khi đã phân biệt rõ các loại bất đồng ý kiến thì không giận nhau những chuyện không chính đáng, không xem thường hay bỏ qua những chuyện quan trọng. Nếu giữa 2 người có những vấn đề quan trọng chưa đồng ý với nhau thì nên thành thật chia sẻ, lắng nghe quan điểm của nhau và nhờ người có uy tín tư vấn.

Cháu có thể đề nghị ba mẹ “chạy thử” chương trình 1 tuần, nửa tháng, 1 tháng…; có họp rút kinh nghiệm và liên hoan mừng công hẳn hoi.

Theo phụ nữ TPHCM