Chị là người vợ tháo vát, chu đáo, là người mẹ hiền từ và hy sinh tất cả cho đứa con tự kỷ ngây thơ. Tôi quen gọi chị là mẹ - mẹ H.D. và xưng em, chị gọi tôi là thầy.

Bao năm qua, một mình chị gánh vác cả gia đình, đồng lương công nhân lo cho chồng ung thư, con tự kỷ... Chị không biết chạy xe mà nếu có biết chạy, cũng không có tiền mà sắm.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mỗi sáng chị dậy sớm, tươm tất mọi việc trong nhà, đón xe buýt đưa con đến trường, rồi đón chuyến khác từ TP Thủ Đức sang Bình Dương làm công nhân.

Chiều, chưa hết giờ làm đã phải lo gói ghém, đến trường đón con. Chị kể, lúc đầu công ty cũng làm khó, công nhân khác phân bì, nhưng chị năn nỉ mãi họ cũng miễn cưỡng đồng ý. Gạt đi những ánh mắt dò xét, cứ chiều sớm là chị lên xe buýt để kịp đưa con đi học ca tối - can thiệp tâm lý thêm cho con tại nơi tôi làm việc.

2 mẹ con ăn vội ăn vàng trên xe buýt, có lúc vì mệt nên chị ngủ thiếp đi, lỡ trạm xe, phải bắt xe quay ngược lại. Hôm nào, thấy 2 mẹ con trễ giờ là tôi biết lý do. Tính ra, một người khỏe mạnh, nếu ngồi liên tục nhiều chuyến xe, di chuyển một chặng dài trong tình trạng vắt hết sức lực để tròn vai công nhân tốt, mẹ hiền, vợ đảm như chị thì dễ đổ bệnh, nhưng chị vẫn luôn có mặt trong mọi buổi học của con, không dám nghỉ làm ngày nào…

Hiểu và thương chị từ nết ăn nói luôn miệng dạ thưa, cảm ơn, tươi cười, câu nào thốt ra cũng kính cẩn, lương thiện và cả nết dễ ngủ, sẵn sàng nhắm mắt, ngả lưng bất cứ nơi nào có thể... “Thầy, chị chợp mắt tí nha” - vừa dứt lời sau cuộc trò chuyện với tôi, chị đã ngủ.

Nhiều năm ròng, chị lập trình đi và về, ăn và ngủ, đến và rời… như vậy vì tương lai của con. Ánh mắt chị, lời nói của chị mỗi khi trò chuyện với giáo viên đặc biệt đều tràn ngập niềm tin và hy vọng. Đáp lại, con trai H.D. của chị cũng tiến bộ, rồi chị chuyển cho con về trường gần nhà để học hòa nhập.

Ngày chị chia tay chúng tôi tại trung tâm can thiệp là ngày chị vui và hạnh phúc khó tả. Chúng tôi cũng mừng vui, thầm nghĩ “trời đã không phụ lòng người”, người tốt như chị sẽ gặp may mắn.

Hôm nay, chị gọi tôi 3 lần, bằng số lạ. Tôi đoán điện thoại chị hết tiền nên mượn tạm của ai đó để gọi. Lần đầu, chị thông báo tình hình của con chị - đứa trẻ mà chúng tôi đã nuôi dạy nhiều năm với mức học phí giảm thật sâu để động viên chị, trước khi chị chuyển con về nơi gần hơn để tiện đưa đón: "Bé không tiến bộ nhiều thầy ạ”. Ở trường, người ta cho biết, dù thầy cô đã rất cố gắng, nhưng bé không đủ khả năng để theo tiếp chương trình hòa nhập. Thêm việc giáo viên trực tiếp đứng lớp H.D. đã nghỉ việc, như giọt nước tràn ly. H.D. phải nghỉ học. Không riêng H.D., có 4 bạn nhỏ nữa cùng hoàn cảnh cũng phải tìm nơi khác học. Chị hỏi tôi: “Theo thầy, chị phải đi đường nào?”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị gọi lần 2, xin phép gặp tôi để tư vấn, định ra hướng đi cho con, dù con chị có còn học với tôi hay không, chỉ cần có tiếng nói của tôi là chị an tâm: “Chị nghe theo thầy. Thầy có chuyên môn. Thầy thương mấy đứa nhỏ nên thầy chỉ thì chị theo”. Tôi hứa sẽ gặp chị và H.D.

Chị gọi tiếp lần 3, nghe giọng buồn buồn nhưng quả quyết: Chị sẽ cho con học trường chuyên biệt luôn, vì con cần đi học liền. Tôi chưa hiểu vì sao phải gấp như vậy thì chị tiếp: “Bây giờ, chồng chị ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện trả về, thầy ạ”. Chị im bặt, tôi lặng im cho chị khóc. Tôi cũng không kìm được lòng, cho đến khi tôi nghe tiếng được tiếng mất, tôi đã ôn tồn động viên…

Tôi biết, chị hoảng loạn thế nào, lo lắng ra sao, tiên lượng việc gì. Chị không còn lựa chọn, chẳng còn thời gian để chờ đợi hay suy nghĩ, vì chồng chị đã vào thế cấp bách. Chị nghẹn ngào trong tiếng nấc: "Con có đi học thì chị mới đi làm được. Nếu con ở nhà thì chẳng những khổ mà còn đói nữa, nên chị có đau đến kiệt cùng, vẫn phải đi làm, chị không còn lựa chọn nào khác".

"Mẹ khóc hả?" là âm thanh tôi nghe được trước khi chị cúp máy. Đó là giọng đứa trẻ tự kỷ, ngây ngô, nhưng sâu trong tâm hồn, có lẽ cậu cũng cảm nhận được sự vỡ vụn trong lòng người mẹ.

Chúng ta có thể có nhiều lựa chọn. Chúng ta không đi làm trong nước mắt. Chúng ta không cô độc chiến đấu với cuộc đời. Ta cũng không ở thế cùng cực như chị, nhưng đôi khi chúng ta vẫn thiếu bản lĩnh. Mong chị, anh và con thật nhiều bình an!

Theo phụ nữ TPHCM