Chị Hạnh Dung thân mến,
Em có cho người yêu mượn tiền để cả hai chung vốn làm ăn. Giờ em muốn dừng lại chuyện tình cảm 2 người. Liệu em có đòi lại số tiền đã cho cô ấy vay được không chị Hạnh Dung ơi?
E mui
Em E mui thân mến,
Giữa em và người yêu cũ cần phải có phân định rõ ràng: Em cho bạn ấy mượn tiền hay là chung vốn làm ăn? Nếu là chuyện vay mượn, thì em có thể đòi được và bạn ấy phải trả.
Nhưng nếu đó là chuyện làm ăn giữa hai người, thì còn phải tùy vào những điều khoản trong hợp đồng, vốn đầu tư, những thỏa thuận khi lỗ, khi lãi. Bởi chuyện làm ăn thì không phải khi vui thì bỏ tiền vào, khi buồn thì rút tiền ra được. Nó có nhiều yếu tố liên quan đến luật, mà nếu cần thiết thì em phải có sự tư vấn của luật sư.
|
Ảnh minh họa |
Một trong những câu hỏi Hạnh Dung thường rất hay gặp chính là câu hỏi này của em: về chuyện nợ nần tiền bạc sau khi chia tay của những người yêu nhau. Và đó là một câu hỏi thật buồn.
Buồn là ở chỗ: khi yêu thì cái gì cũng có thể chia sẻ, nhường nhịn, hy sinh cho nhau được. Thậm chí ta còn thấy hạnh phúc, sung sướng khi cho nhau hay giúp nhau việc gì đó. Thế nhưng, đến lúc tình cảm tan vỡ, thì chính những niềm vui, nhiệt huyết lúc đó lại khiến cuộc chia tay trở nên xấu xí, cái nhìn về nhau trở nên tệ hại, và kỷ niệm tình yêu thì bị vấy bẩn lem nhem.
Vậy nên, Hạnh Dung luôn nghĩ rằng mọi người ngay cả khi yêu cũng nên có những nguyên tắc riêng cho cả hai. Cái gì ra cái đó rõ ràng, đừng nhập nhèm, đừng vì ngại ngùng mà tránh né, càng không nên vì bốc đồng mà hy sinh, cho đi tất cả...
Nếu đã là vay mượn, làm ăn thì cũng phải rõ ràng, minh bạch với nhau. Thậm chí nếu là số vốn có giá trị thì cũng nên có giấy tờ, thỏa thuận đàng hoàng. Còn nếu đã gọi là cho nhau thì đừng tiếc, đừng tìm cách đòi lại khi mọi chuyện không còn tốt đẹp. Nó dở về mọi thứ, từ vật chất cho tới tình cảm.
Câu chuyện hôm nay có thể là kinh nghiệm với em và nhiều người khác, em nhé!
Theo phụ nữ TPHCM