Chị Hạnh Dung thân mến,

Em lấy chồng đã được 14 năm, có 3 con trai. Bé thứ 2 năm nay 12 tuổi thì bị bại não, và đang được gửi cho ông bà nội chăm. Ngoài phần trợ cấp xã hội, em đề nghị chồng phải có trách nhiệm gửi thêm tiền để ông bà chăm cháu.

Nhưng em không biết chồng có thực hiện đề nghị đó của em hay không, vì tiền làm ra, chồng em quản, không hề đưa gì cho em. Ngày trước còn ở trọ, anh còn đưa cho em mỗi tháng được 2 triệu. Sau này có nhà rồi, anh dần không đưa nữa, khi nào em hết tiền đi chợ thì anh mới đưa, mà mỗi lần đưa chỉ 500.000 đồng, 1 triệu, nhiều nhất là 2 triệu.

Lương tháng của em chỉ 10 triệu, mà vừa phải lo cơm nước cho các con, tiền sữa, thỉnh thoảng đóng tiền học thêm, học năng khiếu cho 2 đứa (1 bé lớp 8, 1 bé lớp 1). Mỗi tháng em trích mua 1 thùng sữa gửi cho con ở quê nữa.

Nói chung với chi tiêu 10 triệu, em cảm thấy rất chật vật. Tiền học đầu năm thì chồng đã đóng. Không đưa tiền cho em đã đành, nhiều khi thiếu tiền làm công trình, anh còn mượn tiền em, và rất khó đòi.

Anh không hề giúp em dạy dỗ con, hay làm việc nhà. Trong lúc em quần quật nấu ăn, dọn dẹp, thì anh chỉ biết nhậu nhẹt. Em công nhận anh giỏi kiếm tiền, và công việc của anh phải nhậu mới ra tiền. Bản thân anh đã mua được vài miếng đất và có xe ô tô từ 5 năm nay. Nhưng chất lượng cuộc sống của em thì chẳng khác nào người có thu nhập thấp cả.

Nhiều lần em góp ý chồng phụ em việc nhà, phụ tiền đi chợ, nhưng anh nghe và để đó thôi chứ vẫn không thực hiện, em phải "làm dữ" lên thì anh mới làm. Người ngoài nhờ gì, anh cũng đều giúp đỡ, còn vợ nhờ làm giúp cái sào phơi đồ, hẹn đến nay đã 16 lần rồi vẫn chưa thấy nhúc nhích.

Theo chị, em nên làm gì để cải thiện hôn nhân của mình ạ?

Bùi Thị Lựu

leftcenterrightdel
 

Em Bùi Thị Lựu thân mến,

Có rất nhiều người đàn ông hiểu rằng việc của mình là phát triển kinh tế, tạo một nền tảng vững chắc về tài chính cho tương lai của gia đình. Với họ, việc nhà là những việc nhỏ mà "hậu phương" có thể quán xuyến, để họ được rảnh tay chân, đầu óc mà lo việc lớn.

Xét trên khía cạnh đó, thì chồng em không phải người vô tâm như em nghĩ. Anh ấy đã dồn hết sức lực của mình vào việc kiếm tiền. Và chỉ một mình anh ấy, trong 14 năm đã mua được vài miếng đất, xe hơi... thì anh ấy có thể được đánh giá là người đàn ông giỏi giang, tháo vát.

Tuy nhiên, được cái này thì mất cái kia, cũng là chuyện thường tình. Vì quá tập trung cho việc kiếm tiền, anh ấy có thể không để tâm đến việc lo cho gia đình và giúp vợ chăm sóc nhà cửa con cái. Tuy nhiên, Hạnh Dung chú ý đến một câu: khi em "làm dữ" lên thì anh ấy cũng giúp em việc nhà, và ở ngoài xã hội, anh ấy là người dễ thương.

Điều đó có nghĩa là anh ấy không phải người hoàn toàn thờ ơ, vô cảm. Thậm chí không phải là người có những hành động bạo lực hay khó chịu khi vợ "làm dữ". Vậy thì chắc là mọi việc cũng phụ thuộc phần nhiều vào cách em tâm sự, trò chuyện, đặt ra yêu cầu với chồng...

Hãy cho anh ấy biết tất cả những khoản chi tiêu của em vào gia đình như thế nào, để anh ấy biết thiếu đủ ra sao và bàn với nhau một lần, về việc em cần anh ấy đưa tiền chi tiêu hàng tháng. Không nên hỏi tiền lắt nhắt, mà hãy bàn bạc, thỏa thuận thành một quy định chắc chắn.

Việc nhà cũng vậy, hãy phân công cho anh ấy những việc phù hợp với giờ giấc và khả năng của anh ấy, dựa trên cả thời gian anh ấy có thể sắp xếp cho gia đình, con cái sau những việc kiếm tiền ở bên ngoài.

Căn cứ trên những gì em kể, bằng con mắt nhận xét của người đứng ngoài, Hạnh Dung nghĩ rằng chồng em chỉ là chưa hiểu và chưa thấm được những gì cần làm thêm cho gia đình nhỏ, ngoài việc kiếm tiền.

Để thay đổi anh ấy, làm cho anh ấy hiểu những khó khăn của em, em cần phải hết sức kiên trì, nhẫn nại, nhỏ nhẹ và cương quyết. Cũng đừng cằn nhằn, nặng nhẹ, tự biến mình thành nạn nhân như em đang nghĩ bây giờ, mà cố gắng tạo không khí gia đình nhẹ nhàng, bình an, thì những điều em thuyết phục mới có thể thành công.

Theo phụ nữ TPHCM