Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em lấy chồng được 12 năm. Em 34 tuổi còn chồng 36 tuổi. Vợ chồng em có 1 con trai, 1 con gái. Chồng em có người chị đã lập gia đình và ở riêng. Cuộc sống của em với nhà chồng cho đến nay vẫn đang yên ổn. Vấn đề là chồng em lại thần tượng chị gái quá nhiều.
Bất kể tình huống nào nảy sinh, anh đều đem chị ra làm khuôn mẫu - từ chuyện vén khéo trong nhà tới chuyện nấu nướng, nuôi dạy con. Con gái em đang ở tuổi sắp dậy thì, tính nết ẩm ương. Mỗi lần em than với chồng chuyện con không nghe lời, con cãi hỗn, con lười học… là y như rằng anh bảo “Em học chị Hai đi”.
Con trai nhỏ không chịu ăn rau, nói dối, không chịu đi học… anh lại so sánh cách em chăm con, dạy con với chị rồi chê em không biết làm vợ, làm mẹ. Đúng là chị chồng có 2 đứa con rất xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi, gia đình hạnh phúc. Có lẽ thành tích đó khiến chồng em nhìn vào luôn thấy chị làm đúng mà không chịu nghĩ sâu.
Chị làm nghề tự do, thời gian dành cho con nhiều. Chồng chị kinh doanh giỏi và chị không phải lo lắng về kinh tế, chi tiêu cho chồng con rất thoải mái. Trong khi đó, vợ chồng em chỉ làm công ăn lương. Hoàn cảnh, xuất phát điểm khác nhau như vậy, làm sao em học theo chị được?
Em không có mâu thuẫn gì với chị, chỉ là cách chồng luôn so sánh khiến em cảm thấy không thoải mái, không thích chị. Chị cũng hay bảo vợ chồng em nên làm thế này, thế khác; em không biết có phải chị cố tình làm vậy để chứng tỏ chị giỏi hơn em? Phải làm sao để chồng em nhìn nhận đúng nỗ lực của em?
Hoài Ngọc (Kiên Giang)
|
Ảnh minh họa |
Em Hoài Ngọc thân mến,
Vấn đề của em nằm ở chỗ giữa em và chồng đang có độ “vênh” trong suy nghĩ, quan điểm, hoàn toàn không liên quan đến chị chồng em. Em nên rạch ròi, đừng vì chồng luôn khen chị rồi em quay ra không thích chị, mâu thuẫn với chị. Đừng đẩy mọi chuyện thành nghiêm trọng khi thực ra nó chưa đến mức như vậy.
Đọc thư em, Hạnh Dung hình dung ra chồng em không mấy khéo léo trong ứng xử, nên thay vì ngồi lại với vợ để cùng tìm giải pháp dạy con, anh lại chọn cách khỏe nhất là kêu em học chị chồng. Nhưng em đã bao giờ thử học chị chồng một cách thành tâm và cầu thị chưa?
Nuôi dạy con là một hành trình khó khăn và kinh nghiệm của người đi trước cũng rất có ích. Chị chồng đã nuôi dạy được 2 đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi, chắc chắn chị ấy phải có bí quyết của mình. Em đừng suy nghĩ đơn giản rằng cứ có nhiều tiền là sẽ nuôi dạy được những đứa con ngoan, giỏi. Tiền bạc là con dao 2 lưỡi, nếu không biết cách ứng xử với tiền, thậm chí cha mẹ giàu càng dễ có con hư.
Thay vì không thích chị chồng, em hãy trò chuyện cùng chị, chia sẻ những vấn đề em đang gặp phải và nghe chị tư vấn xem sao. Em không nhất thiết phải rập khuôn cách chị làm mà có thể chọn lọc những điều phù hợp với gia đình em.
Thấy em chịu học hỏi chị chồng, chồng em sẽ vui. Lựa lúc anh vui, em hãy bày tỏ quan điểm rằng, em tham khảo kinh nghiệm nhiều người, nhưng em sẽ có cách làm riêng, mong anh đừng so sánh mà hãy cùng em chung sức, đồng lòng để dạy con.
Người ta nói “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” - hàm ý mối quan hệ chị chồng - em dâu thường khá nhạy cảm. Thay vì xa cách, em hãy gần gũi, chân thành học hỏi, biến chị chồng thành đồng minh. Chồng em vốn đã yêu quý và thần tượng chị nên những gì chị nói, anh sẽ dễ nghe theo.
Khi em và chị chồng thân thiết, điều đó sẽ có lợi cho quan hệ của em với nhà chồng. Chưa kể, có những chuyện em có thể nhờ chị tác động để chồng mình tốt hơn. Thêm bạn, bớt thù luôn là cách ứng xử khôn ngoan trong mọi mối quan hệ. Chúc em khéo léo để dung hòa các mối quan hệ gia đình và có cuộc sống hạnh phúc.
Theo phụ nữ TPHCM