Chị Hạnh Dung thân mến,

Chúng em mâu thuẫn càng ngày càng nhiều, từ việc rất nhỏ khi con em 4 tuổi nói yêu mẹ, và tiền dành dụm sẽ để cho mẹ hết, trước cả ba và bà nội. Từ đó chồng luôn nói em không biết dạy con, và áp đặt rằng chính em dạy con nói như vậy.

Mẹ chồng thì tỏ ra coi thường vì gia đình em nghèo hơn. Ngay từ đầu bà đã không đồng ý cho tụi em cưới nhau. Sinh 2 con rồi, em mới được về nhà chồng, và đăng ký kết hôn.

Lúc trước, cả hai đều nỗ lực, em tự chăm sóc con cái để anh đi làm. Từ ngày kết hôn thật sự, ngày nào anh cũng luôn nhắc em phải biết ơn mẹ chồng, phải học tập mẹ... Nhưng bản thân anh không hề có sự quan tâm nào dành cho em.

Từ khi quen nhau, tụi em đã không bao giờ sờ vào điện thoại của nhau, và anh cũng không công khai với em về kinh tế. Các chi phí cho cuộc sống gia đình, cả hai cùng chi trả.

Anh luôn nổi nóng với em và cho rằng em không biết ơn hay vui vẻ tươi cười với ba mẹ anh, đổ lỗi cho em những việc mà ngay cả trong suy nghĩ, em cũng không hề có. Em rất ức chế và tủi thân. Mẹ anh thì luôn ca ngợi anh, cho rằng em không xứng với anh.

Đến tận bây giờ, em cũng không biết mình đã sai ở đâu, hay nghèo là có tội... Ngỡ rằng mình hi sinh cùng anh suốt 5 năm khó khăn để được gia đình chấp nhận là thành công rồi, và chỉ có anh là người duy nhất hiểu mình. Nhưng không phải.

Anh là con một trong gia đình giàu có và chỉ biết học tập. Việc gia đình con cái 98 % là do em gánh vác. Hiện tại ở chung, mẹ anh vẫn phục vụ anh như một đứa trẻ.

Em có nên tiếp tục cuộc hôn nhân này? Có cách nào để anh hiểu đúng về em không? Làm sao để thay đổi cách nhìn của mẹ chồng khi so sánh em không phù hợp với tiêu chuẩn bà muốn? Em đã sai ở đâu?

Trần Dương

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Em Trần Dương thân mến,

Hình như mọi bất đồng của các em chỉ bắt đầu phát sinh từ khi... được gia đình chồng công nhận, cho phép đăng ký kết hôn và về ở chung nhà?

Điều đáng ngạc nhiên là những tâm trạng xấu và mối quan hệ xấu này lại bắt đầu sau 5 năm các em nỗ lực để chứng tỏ tình yêu của mình, sự đúng đắn của việc chọn lựa nhau và hạnh phúc gia đình?

Điều đó phải chăng sự công nhận ấy vẫn chỉ là miễn cưỡng và trong tình thế bắt buộc? Và trong tình trạng thế này, thì việc sống chung nhà, chịu đựng những quan sát, nhận xét và cố gắng sống cho vui lòng nhau, có thể là một ý tưởng không lấy gì làm đúng lắm?

Đã phấn đấu qua một chặng đường rất nhiều khó khăn để đến được kết quả này, là một sự nỗ lực tuyệt vời của cả hai. Có lẽ em phải chấp nhận đây chưa phải chặng dừng nghỉ ngơi, mà là tiếp tục những nỗ lực mới cho sự gần gũi, thông cảm và thấu hiểu nhau nhiều hơn.

Hãy bỏ qua những điều mẹ chồng nói (ai mà không thấy con mình là nhất trên đời), hãy bỏ qua những nhắc nhở của chồng (có lẽ anh ấy chỉ muốn kết nối em và mẹ, muốn em ngưỡng mộ và thương yêu mẹ như chính anh ấy, và muốn cả hai gần gũi nhau hơn mà thôi)

Hy vọng tâm trạng em đang có lúc này chỉ là sự mỏi mệt vì những gì mới mẻ mà mình phải chấp nhận, khi phải sống với gia đình chồng. Bớt nhạy cảm, vui vẻ, chan hòa, bỏ qua những điều mẹ chồng nhận xét, chồng so sánh... để mà gây dựng mối quan hệ từ một cột mốc mới.

Quan trọng hơn, Hạnh Dung nghĩ rằng, em hãy cùng chồng bàn bạc xem có thể duy trì đời sống độc lập của vợ chồng như trước kia, tránh sự can thiệp của những ý kiến, đóng góp làm ảnh hưởng đến tâm trạng của em hay không.

Ông bà ta có câu: "Xa mỏi chân, gần mỏi miệng", ý rằng những mối quan hệ nên có những khoảng cách nào đó để có được sự bình yên, cân bằng và nhẹ nhàng hơn, em ạ.

Theo phụ nữ TPHCM