Chị Hạnh Dung thân mến,

Hiện tại em đang rất mệt mỏi. Trước khi lấy em, chồng em đã có 1 đời vợ và 2 đứa con riêng. Nhưng li hôn chồng em nhận nuôi 2 đứa nhỏ, nên trách nhiệm nuôi con là của vợ chồng em, còn chị vợ kia thì đi lấy chồng khác cũng đã có 2 con rồi.

Vợ chồng em lấy nhau được 8 năm. Trong thời gian 8 năm đến nay, em phát hiện chồng em kết bạn Zalo nhắn tin và gọi điện với vợ cũ, rồi xóa. Em đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng chồng không nói gì, và vẫn tái diễn hết lần này đến lần khác.

Em bức xúc nên chặn Facebook cô vợ kia, nhưng sau đó chồng em lại mở chặn. Dù em tỏ thái độ khó chịu, nhưng chồng cũng không để ý. Lần gần đây nhất, chồng em lại gọi điện cho cô ấy.

Em gọi chồng để nói chuyện cho rõ ràng, thì chồng bảo em không có quyền cấm anh liên lạc với vợ cũ, và không có quyền quản lý anh ấy. Nghe những lời như thế, em thật sự không biết phải nói gì nữa.

Chị cho em hỏi, có phải em ích kỷ, hẹp hòi hay sai ở đâu không ạ? Xin chị cho em lời khuyên, để em bớt áp lực và mệt mỏi. Hiện tại em không muốn tiếp xúc với chồng. Em cũng có nghĩ đến chuyện ly hôn, nhưng con trai tụi em còn quá nhỏ, mới được 5 tuổi nên em không biết phải làm thế nào nữa chị ạ.

Minh Thu

leftcenterrightdel
 

Em Minh Thu thân mến,

Không biết là em quên không nói, hay em không biết, hay em cố tình không nói và không biết một điều hết sức quan trọng: Chồng em liên lạc với vợ cũ để làm gì?

Nếu đã lập gia đình với một người từng có gia đình, có con chung với người cũ, ngay từ đầu, em phải xác định được một điều hết sức rõ ràng, để mà hiểu rằng mình có thể chịu đựng được điều đó hay không: họ sẽ luôn luôn cần và phải giữ mối liên hệ với nhau!

Người cha, người mẹ mới dù có tốt và chăm lo đến bao nhiêu, cũng không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn hình ảnh, vị trí, vai trò của những người bố mẹ đã sinh ra những đứa trẻ.

Vì thế, dù họ không còn là chồng vợ nữa, thậm chí họ có thể không thích, không ưa, khó chịu với nhau, và không hề muồn nhìn thấy nhau nữa, nhưng họ vẫn luôn luôn là bố và mẹ của những đứa trẻ. Vì những đứa trẻ, họ phải giữ mối liên lạc với nhau, thậm chí là họ phải luôn cố gắng cải thiện mối quan hệ với nhau, tử tế với nhau và giúp đỡ nhau trong việc quan tâm, chăm sóc những đứa trẻ.

Những người cha và mẹ khi không thể làm được điều tốt nhất cho con cái là sống hạnh phúc bên nhau, thì họ phải làm được những điều tối thiểu như vậy. Nếu không, con họ sẽ vĩnh viễn không bao giờ có được cảm giác hạnh phúc, dù là hạnh phúc rất khiêm tốn, của những đứa trẻ có đủ cha và mẹ.

Và nếu chồng em liên lạc với vợ cũ vì những đứa con, thì đúng là sự ngăm cấm, khó chịu, nhất là việc em cố tình chặn Facebook của vợ cũ chồng em, quản lý những cuộc gọi, tin nhắn... là một điều vô cùng sai, vô cùng ích kỷ và hẹp hòi.

Dù em không kể ra, nhưng căn cứ vào thái độ cương quyết lạnh lùng và không chấp nhận sự cấm đoán của em, Hạnh Dung nghĩ rằng vợ chồng em đã từng phải có những cuộc nói chuyện, tranh cãi về vấn đề này. Nhưng em vẫn không hiểu ra, và không chấp nhận.

Vì em đã nghĩ tới hai chữ ly hôn, em hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của chồng và vợ cũ của anh ấy xem sao: Liệu nếu em ly hôn, em có muốn con em không có sự chăm sóc, quan tâm của bố nó hay không? Em có muốn con em lớn lên trong tủi hờn, rằng bố mình không màng đến sự có mặt của mình trên cõi đời này hay không? Nếu em muốn con mình có sự quan tâm của bố nó, liệu em sẽ có liên lạc với anh ấy hay không?

Nếu nghĩ về vấn đề đó một cách hiểu biết và bình tĩnh, em sẽ chấp nhận được phần nào lý lẽ cứng rắn và cương quyết của chồng em, khi anh ấy muốn giữ liên lạc với mẹ của những đứa trẻ. Giữa họ chắc chắn có những điều cần phải nói về những đứa con, mà em không phải là người có thể chia sẻ được, nhất là khi em có những khó khăn, ngăn cản như vậy.

Phải làm gì? Điều Hạnh Dung nghĩ em cần phải làm bây giờ, là tìm hiểu và tỏ ra thông cảm với việc chồng mình liên lạc với vợ cũ với tư cách là bố mẹ của con chung của họ. Khi hiểu và thông cảm rồi, em sẽ làm cho chồng cởi mở hơn với em về những vấn đề mà anh ấy đang lo lắng. Khi đó, em sẽ thấy mọi chuyện nhẹ nhàng và bình an hơn.

Theo phụ nữ TPHCM