Chị Hạnh Dung ơi!

Em có gia đình, con trai 14 tuổi. Cách đây 8 năm, chồng em có quen người phụ nữ ly hôn, có 1 con gái. Cô gái đó còn đưa cả giấy ly hôn của cô ta cho chồng mang về để em ký. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, anh quay về với mẹ con em.

Hiện nay anh ấy có quen 1 cô gái chưa chồng. Theo em biết tầm 3 tháng nay. Và chồng em cũng qua đêm ở nhà người đó. Khi em phát hiện chồng em nói sẽ không bỏ gia đình. Để cho anh ta đi chơi chán rồi về. Nhưng em không đồng ý.

Em nói nếu muốn thì li dị đi. Em sẽ buông tay để anh đến với cô đó. Nhưng chồng em không muốn bỏ gia đình và không muốn bỏ bồ. Anh ấy muốn em phải chấp nhận.

Em có đến nhà cô đó 2 lần, đều gặp chồng em ở đó. 2 người nói với em chỉ là bạn bè. Và chồng hứa không đến nữa. Em cũng nói cô ta không cho chồng em đến nhà. Cô cũng đồng ý, nhưng sau lưng em thì lại ngủ qua đêm.

Gia đình chồng em kêu em canh có chồng em ở đó thì dẫn mọi người qua quậy, cho cô ta xấu hổ không quen chồng em nữa. Vì em biết chồng em sẽ không bỏ cô ta được. Chồng nói với em cho anh ta nửa tháng giải quyết dứt điểm với cô ta. Nhưng em biết chắc anh ta chỉ lừa em thôi.

Em đang không biết phải làm sao? Li dị thì con em không chịu, con em nói nếu ba mẹ li dị thì con bỏ học.

Em có nên qua đó gặp cô ta quậy không? Hay em phải làm sao? Em rất buồn và bế tắc. Em đau lòng lắm nhưng vì con mà cố gắng chịu đựng. Xin cho em lời khuyên. Cám ơn chị.

Hương Nguyễn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Hương Nguyễn thân mến,

Người ta nói rằng chuyện xảy ra một lần thì là hiện tượng, nhưng hai, ba lần thì đã là bản chất. Câu chuyện em kể về chồng mình khiến Hạnh Dung liên tưởng đến kết luận này.

Và nếu hai câu chuyện ngoại tình của chồng em đã có thể chứng minh bản chất của anh ta, thì rõ ràng đó là một bản chất quá tồi tệ với một người làm chồng, làm cha. 

Lần đầu anh ta ngoại tình và mang về yêu cầu vợ ký vào một tờ đơn ly hôn do chính tình nhân của mình đưa. Một người đàn ông, một người chồng có thể hành động hèn kém đến như thế với cuộc hôn nhân của mình, vợ mình và con mình hay sao?

Thế nhưng, lần thứ hai, cách anh ta cư xử khi ngoại tình còn đáng khinh hơn, khi anh ta có thể trơ tráo nói với vợ mình rằng cứ để anh ta chơi chán rồi về. Anh ta đáng khinh với cả hai người phụ nữ: người con gái anh ta đang ngoại tình và vợ mình. 

Đúng ra, trong một tình huống phạm lỗi đến lần thứ hai bị phát hiện, anh ta không có bất cứ thể diện gì để nói về vị trí của mình trong mối quan hệ gia đình. Vậy mà anh ta còn dám yêu cầu vợ phải chấp nhận một cuộc chơi dơ bẩn của mình, với một sự trơ tráo ngày càng nặng khi tuyên bố thẳng thừng: Không bỏ vợ và không bỏ bồ.

Trong tình huống này, qua cách kể chuyện của em, Hạnh Dung có một cảm giác rằng những sự trơ tráo ngày càng lấn tới của chồng em, một phần do sự nín nhịn, chịu thua thiệt và thiệt thòi của em. Em không hề thể hiện sự phẫn nộ, khinh bỉ, thể hiện quyền chọn lựa của mình, quyền ra điều kiện của mình: sống chung hay không sống chung với một người chồng mất tư cách đến như thế.

Và còn tệ hơn nữa, em trao cái quyền đó vào tay con người không còn biết giữ danh dự, thể diện hay liêm sỉ, khi em nói: "Nếu muốn thì li dị đi". Sao em lại phải chờ đợi sự lựa chọn của người chồng tệ bạc đến như thế một cách thụ động như vậy? 

Em biết chắc chồng em chỉ lừa em, em cũng biết chắc rằng nếu không phải người phụ nữ này thì với bản chất đó, anh ta cũng sẽ tìm ra một người phụ nữ khác. Cho nên việc em đến gặp nhân tình của anh ta hay quậy cô ta để cô ta sợ hãi, như người nhà đề nghị, thật sự chẳng có ý nghĩa gì. Người cần thay đổi là chồng em chứ không phải là người phụ nữ nào cả. 

Bây giờ đây, Hạnh Dung chỉ e ngại rằng, lại một lần nữa, giống rất nhiều người vợ khác, em đang dựa vào một lý do để có thể lẩn tránh việc phải giải quyết dứt điểm những vấn đề tệ hại, như một khối u ung thư trong cuộc sống của mình, rằng mình phải sống vì con, rằng nếu mình ly hôn thì con sẽ thế này, thế nọ.

Biết rằng tuổi của con (14 tuổi) đang là tuổi ẩm ương, khó dạy, khó bảo. Nhưng cũng là tuổi bắt đầu hiểu chuyện, nhạy cảm với những tổn thương đau khổ của người thân của mình. Trong những trường hợp hết sức cần thiết, em cũng có thể đặt con vào vai trò một người bạn để chia sẻ những vấn đề của gia đình một cách nghiêm túc.

Khi con em cho rằng mình cũng có một "vai trò" nào đó trong gia đình (bằng cách dọa dẫm bố mẹ như vậy), cháu sẽ có những bài học đầu tiên về lòng tin, về vai trò bảo vệ người thân hay gia đình một cách sáng suốt. Chính cháu cũng có thể là người có tác động lớn cho cơ hội thay đổi cuối cùng của người cha mình

Tất nhiên, đây là những tình huống phải hết sức khéo léo, tế nhị và chủ động. Nhưng nếu con em có thể hiểu được người cha không còn tôn trọng gia đình mình, mẹ mình và chính mình, thì con em sẽ có thể trở thành sự hỗ trợ rất lớn của em trong việc có những quyết định mạnh mẽ và lớn lao.

Vây thì, điều quan trọng nhất lúc này là em phải mạnh mẽ, tỉnh táo và sáng suốt để thay đổi cuộc đời của mình, em nhé.

Theo phụ nữ TPHCM