Gia đình tôi bao phen xào xáo, vợ chồng mâu thuẫn chỉ vì tôi thương người, tin bạn, nên cho mượn tiền. Tuy là chủ nợ, lần nào cho vay tôi cũng phải đi lạy lục, van nài, nhìn sắc mặt của con nợ mà sống.

leftcenterrightdel
 Khi vay tiền con nợ hứa hẹn đủ điều, nhưng khi đã cầm được tiền thì chủ nợ lại... sợ con nợ (ảnh minh hoạ)

Cách đây 18 năm, vợ chồng tôi vừa cưới nhau, dành dụm được vài chục triệu đồng. Đây là số tiền nội ngoại mừng cưới để vợ chồng trẻ có chút vốn lận lưng. Cô bạn thân tên B. biết tôi có số tiền này, đã ngỏ ý nhờ tôi giúp đỡ.

Chuyện là B. trót ăn cơm trước kẻng và có bầu 2 tháng. Cô và bạn trai muốn nhanh chóng kết hôn bởi cái bầu mỗi ngày mỗi lớn. Thế nhưng bạn trai B. mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đang ở nhờ nhà dì. Gia cảnh của anh vô cùng khó khăn, công việc lại không ổn định, nên chẳng có xu nào để cưới vợ.

Nhà B. cũng vậy, chị em đông, bố chạy xe ôm, mẹ làm giúp việc nên không thể có khả năng tự làm đám cưới cho con gái mình.

Cám cảnh cho bạn, thương cái thai có nguy cơ phải bỏ nếu B. không làm được đám cưới, tôi cho bạn vay 30 triệu đồng. Tôi nhớ lúc đó, vàng giá khoảng 1,2 triệu đồng/ chỉ.

Bạn tôi dùng 30 triệu này trả tiền tiệc cưới (khoảng 30 mâm), mua nữ trang, nhẫn cưới để nhà trai, nhà gái lên trao cho cô dâu trên sân khấu đủ thủ tục như người ta.

B. hứa với tôi rằng sau đám cưới bạn sẽ lấy tiền mừng của khách để trả tôi, nhưng đám cưới bạn xong, tôi chờ mãi chưa thấy B. đả động gì tới khoản nợ. Tôi tự trấn an rằng B. mới cưới nên còn bận rộn, chắc vài hôm nữa bạn sẽ trả tiền cho mình thôi.

Thế rồi 1 tuần, 1 tháng, 2 tháng trôi qua. Lúc này, B. đã vác bụng bầu 5 tháng. Tôi chủ động hỏi bạn về khoản tiền 30 triệu đồng, B. lấy lý do đang khó khăn. Tiền khách dự cưới mừng ít quá, có người ăn tiệc mà không bỏ phong bao, thế nên... lỗ nhiều, vợ chồng B. chưa gom được đủ tiền để trả nợ cho tôi.

B. khóc lóc, than thở rằng đang bụng mang dạ chửa, xin tôi để bạn sinh em bé xong sẽ đi làm, kiếm tiền trả nợ. B. đặt tôi vào thế nếu cố tình làm căng là ác, bởi bạn là bà bầu - người yếu thế.

B. sinh em bé xong, bạn cứ mãi nghèo, lúc nào bạn cũng than vất vả, bất hạnh. Thậm chí bạn còn không có tiền mua tã, sữa cho con.

Một lần tôi đến thăm, mẹ của B. ngỏ ý trách cứ tôi. Bà nói rằng mẹ con B. quá khổ, bữa đói bữa no, còn tôi có khó khăn gì cho cam mà cứ dồn ép con gái bà. Bà còn bảo B. vì chuyện nợ tiền của tôi mà mấy lần định uống thuốc ngủ tự tử. Tôi để yên cho B. sống thì mới có cơ hội kiếm tiền trả tiền cho tôi được. Còn tôi cứ ép uổng, B. mà chết thì tôi thành tội sát nhân, con của B. thành trẻ mồ côi.

leftcenterrightdel
 Bạn tôi cho vay tiền, khi đòi nợ cũng phải lựa lời cho lịch sự kẻo con nợ sẽ tắt máy hoặc chặn số (ảnh minh hoạ)

Tôi phát hoảng, tội của tôi lớn quá, vì đòi nợ bạn mà có thể trở thành kẻ sát nhân, khiến con trẻ mồ côi. Thế nhưng mẹ con B. không chịu hiểu rằng, số tiền 30 triệu đó rất quan trọng với vợ chồng tôi, nó là lời chúc phúc của gia đình hai bên, là vốn khởi nghiệp. Chồng tôi biết chuyện đã trách tôi tin người, để mất số tiền lớn của gia đình, bỏ lỡ cơ hội lập nghiệp của vợ chồng.

Tôi thì chỉ biết ngậm ngùi, cam chịu. Tôi không đủ nhẫn tâm để đưa bạn ra toà. Thế là mất tiền, mất bạn.

Kể từ đó, tôi và bạn kia không liên lạc nữa. Tôi vẫn thấy bạn đăng Facebook hình ảnh gia đình hạnh phúc, đi chơi vui vẻ, lễ lạt biếu quà tết cha mẹ, riêng khoản nợ gần 20 năm bạn quên mất.

Không chỉ tôi là chủ nợ khốn khổ, cô đồng nghiệp tên M. của tôi cũng vậy. Mới đây, M. chia sẻ cho người bạn gái vay 10 triệu đồng để "cứu một mạng người", vì người bạn nói con trai phải nhập viện cấp cứu. Mãi sau này M. mới biết bạn vỡ nợ nên vay mượn khắp nơi và không có khả năng chi trả.

M. buồn rầu: “Giờ nhắn tin, gọi điện đòi nợ cũng phải lịch sự, lựa lời. Chỉ sợ cô ấy phật ý tắt máy, chặn số là mất luôn tiền”.

Khi hỏi vay, con nợ hứa hẹn đủ điều, nhưng khi tiền đã sang túi con nợ rồi, chủ nợ mới là người lo sợ, ăn ngủ không yên. Vậy mà không hiểu sao đám phụ nữ chúng tôi vẫn cứ tin người và vẫn tiếp tục bị mất tiền...

Theo phụ nữ TPHCM