Là một người trong cuộc đang trong độ tuổi sinh đẻ, bị bàn luận la thế hệ “chậm cưới, lười đẻ” tôi cũng rất băn khoăn khi đứng trước quyết định có sinh con hay không. Bên cạnh những lý do như thời gian, sức lực, đánh đổi tự do và thoải mái, sự nghiệp, chi phí, lo sợ dịch bệnh - chiến tranh.... tôi chưa muốn sinh con vì chưa tự tin sẽ tìm được người phụ trông con vì không muốn phiền bố mẹ.

Việc chăm sóc một đứa trẻ không hề đơn giản và dễ dàng đối với ông bà đang ở tuổi cần giữ gìn sức khỏe cho chính mình. Ảnh: Minh họa
Việc chăm sóc một đứa trẻ không hề đơn giản với người đang ở tuổi cần giữ gìn sức khỏe cho chính mình (ảnh minh họa)

 

Cạnh nhà tôi là cặp vợ chồng trẻ có đứa con 1 tuổi rưỡi. Nhìn cảnh bà nội và bà ngoại "xoay tour" mỗi người lên trông cháu một tháng mà tôi cám cảnh chẳng dám sinh con.

Công việc của tôi có thể chủ động làm tại nhà, lại muốn hỏi han thêm về chuyện sinh con và tâm tư của các cụ. Chiều chiều, khi bà dẫn cháu đi dạo, tôi thường mời họ vào nhà nói chuyện. Nhờ đó tôi được biết ở quê các bà cũng có việc đồng áng, buôn bán và cũng còn chồng (ông nội, ông ngoại của cháu nhỏ) cần chăm sóc. Nhưng vì thương cháu và cũng muốn giúp con cái yên tâm đi làm, nên các bà hay nói: “Gắng cho tới khi thằng bé 3 tuổi, cứng cáp, đi học mầm non"...

Nghĩa là từ khi có cháu cách đây 1,5 năm và thêm 1,5 năm tới, 2 bà vẫn phải sắp xếp để "xoay tour" đều đặn trông cháu.

2 bà đều than rằng, chăm con nít bây giờ khó hơn ngày xưa. Ví dụ như trẻ em bây giờ ăn ngủ phải theo cữ, theo giờ, không được dùng kinh nghiệm dân gian. Việc cho con ăn cũng có nhiều phương pháp như ăn dặm kiểu Nhật, kiểu chỉ huy... chứ không chỉ là ăn dặm truyền thống cứ xay cháo hoặc cơm nát với rau như ngày xưa.

Có lần bà nội rơ miệng cho bé bằng mật ong thì con dâu lớn tiếng. Cô nói bây giờ bác sĩ bảo trẻ dưới 1 tuổi không được dùng mật ong. Sự khác biệt kiểu này dễ dẫn đến những quan điểm bất đồng khi mẹ và bà cùng chăm sóc một đứa trẻ. Bà ngoại lên trông con cho con gái còn dễ nói. Bà nội lên chăm cháu đôi khi còn xảy ra những chuyện mẹ chồng - nàng dâu trái ý ấm ức trong lòng.

Đến khi cháu lò dò tập đi, tập chạy, chuyện trông nom 1 đứa trẻ lại càng không hề đơn giản. Bà ngày càng già yếu nên việc chạy theo cháu sẽ khó khăn. Bên cạnh đó còn phải cho cháu ăn uống, tắm giặt, dẫn đi dạo, cơm nước cho cả nhà, dọn dẹp nhà cửa, phơi phóng quần áo… thực sự quá sức với nhiều người.

Người già còn thêm chứng mất ngủ, nên dễ bị bệnh. Có những đêm không ngủ được, ban ngày bà chỉ muốn ngả lưng, nhưng lại không dám rời mắt khỏi đứa cháu đang tầm tuổi mò mẫm, khám phá vạn vật. Có lần bà nội cảm bệnh ho vài tiếng thì thấy vợ chồng con khó chịu, sợ bệnh lây từ bà sang cháu. Bà buồn nhưng thương cháu, không nỡ để cháu đi học khi còn nhỏ quá nên nín nhịn cho qua.

Có 1 điều, dù 2 bà không nói nhưng tôi hiểu. Suốt thời trẻ, các bà đã vất vả đi làm kiếm tiền, chăm sóc chồng con, đến một mức tuổi nào đó, họ có nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng những thú vui trong cuộc sống. Ít nhất cũng còn ông nội và ông ngoại cần có người bầu bạn sớm khuya để chăm sóc nhau.

Hôm trước, nghe 2 vợ chồng trẻ bàn nhau tranh thủ lúc 2 bà còn khỏe thì sinh tiếp đứa nữa, các bà động viên nhau: “Chúng nó chịu đẻ là còn mừng. Mình vất vả thêm vài năm nữa bù lại có con cháu đầy nhà".

Lớn tuổi, ai chẳng muốn được nghỉ ngơi. Thật tình tôi không muốn mẹ mình phải gánh nặng “trẻ trông con, già trông cháu". Nếu sinh con và nhờ nội ngoại đến trông con, chắc chắn tôi cũng sẽ trả lương và vẫn giữ suy nghĩ ''con ai người ấy nuôi''. Tôi muốn ba mẹ dành năm tháng còn lại cho những niềm vui riêng, tự chăm sóc tốt sức khỏe. Có thể thi thoảng giúp trông cháu một vài hôm, chứ không thay thế vai trò của bố mẹ với con cái.

Hiện nay, việc thuê bảo mẫu, người giúp việc trông trẻ khá phổ biến, nhưng lại không dễ dàng. Ngoài chi phí, ít ai tìm được bảo mẫu có thể tin tưởng vào khả năng, kỹ năng trông trẻ và “lòng tốt", “không làm điều tổn hại đến trẻ". Chính vì vậy mới có quan niệm "ông bà trông cháu là yên tâm nhất", nhưng tôi hoàn toàn không muốn ba mẹ già phải vất vả.

Nếu có đơn vị uy tín nào đó đứng ra bảo hộ và đào tạo các bảo mẫu chuyên nghiệp, có đầy đủ kiến thức; cập nhật các kỹ năng chăm sóc - dạy dỗ trẻ em với chi phí được hỗ trợ, có thể tôi sẽ tự tin và mạnh dạn hơn với quyết định sinh con.

Theo phụ nữ TPHCM