Nhận thức thiếu thống nhất

Thạc sĩ Ngô Văn Huấn - giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Học viện Cán bộ TPHCM - nhìn nhận, hiện nay đang có nhận thức thiếu thống nhất trong xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách dân số. Trước đây, theo Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, khi đảng viên vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thì áp dụng hình thức xử lý kỷ luật được nêu tại điều 27.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cụ thể, đảng viên sinh con thứ ba thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Trường hợp sinh con thứ tư thì bị cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ). Trong trường hợp sinh con thứ năm trở lên hoặc gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm cố tình sinh thêm con ngoài quy định thì bị khai trừ.

Tuy nhiên, quy định này đã bị thay thế bởi Quy định 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó đã bỏ hình thức kỷ luật đối với đảng viên sinh hơn 2 con. Trong quy định mới này, tại điều 52, đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách nếu “vi phạm chính sách dân số”. Như vậy, với chính sách dân số hiện nay, có thể hiểu quy định mới nhất của Đảng không có hình thức xử lý kỷ luật nào đối với đảng viên sinh con thứ ba trở lên.

Vấn đề là, theo ông Ngô Văn Huấn, nhiều tổ chức đảng hiện nay vẫn vận dụng Quy định số 102-QĐ/TW năm 2017 để xử lý kỷ luật đảng viên. Chính vì vậy, ông cho rằng, cần có sự hướng dẫn thống nhất thi hành điều 52 của Quy định 69-QĐ/TW năm 2022, qua đó tháo gỡ rào cản trong nhận thức và áp dụng thống nhất trong toàn thể tổ chức đảng các cấp.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị vẫn xem việc sinh con thứ ba là vi phạm, nếu không hạ thi đua, thì cũng nhắc nhở phê bình, nói ra nói vào. Điều này thể hiện nhận thức hạn chế của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị này. Do đó, lãnh đạo trung ương cũng như từng địa phương phải có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể; cần tổ chức các hội nghị phổ biến về chính sách dân số mới. Cơ quan chủ quản cần giải thích pháp luật và áp dụng nhất quán, tránh việc áp đặt, suy diễn, mỗi nơi hiểu một kiểu.

Với bối cảnh mức sinh thấp nhất cả nước, các cơ quan chức năng TPHCM cần chủ động truyền thông rõ ràng, đầy đủ, chính thức về quy định mới cũng như chính sách dân số thời kỳ mới; nâng cao hơn nữa kiến thức, nhận thức đối với cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan nhà nước, nhằm thay đổi nhận thức từ tư duy “kế hoạch hóa gia đình” sang tư duy “dân số phát triển”.

Ông Lê Duy Thống - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương - cũng cho rằng, trong khi chúng ta đang thực hiện khuyến sinh mà lại kỷ luật, hạ thi đua đối với đảng viên, công chức sinh con thứ ba là hết sức vô lý, cần phải thay đổi ngay. Những người tự do sinh con hiện nay đa phần rơi vào những trường hợp ít có điều kiện nuôi dưỡng như người nghèo ở nông thôn, dân nhập cư ở thành phố, người dân tộc thiểu số, người không có nghề nghiệp ổn định…

leftcenterrightdel
 Cần tháo gỡ hoàn toàn những rào cản để các cặp vợ chồng được sinh hơn 2 con - Ảnh: N.P.

Trong khi đó, nhiều người trung lưu, người giàu, người trình độ cao làm việc trong cơ quan nhà nước, trong các doanh nghiệp lớn lại rất cân nhắc khi sinh con. Cho nên, phải bỏ hẳn các rào cản về hành chính, pháp lý và thậm chí cần có các giải pháp khuyến sinh hơn nữa ở đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, trí thức, vì họ có đầy đủ điều kiện để nuôi dạy những đứa trẻ chất lượng.

Khuyến sinh với những gia đình đủ điều kiện nuôi dạy tốt

Ông Ngô Văn Huấn phân tích, trước đây, so với cả nước, dân số TPHCM có đặc trưng “dân số vàng”, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động ở mức cao hơn trung bình chung cả nước. Chính nguồn lao động dồi dào, chất lượng cao này đã góp phần lớn vào vị thế kinh tế thành phố trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, ưu thế này đang dần giảm sút do quá trình giảm sinh, mức sinh thấp diễn ra nhiều năm qua, tạo ra một nghịch lý rất đáng lo ngại ở TPHCM là “số người trong độ tuổi sinh đẻ cao, nhưng mức sinh thấp và vẫn tiếp tục thấp”.

Do đó, theo ông Ngô Văn Huấn, cần giải pháp đột phá, vượt trội, đặc thù đối với vấn đề dân số TPHCM. Mặc dù hiện nay thành phố chưa gặp phải hậu quả trực tiếp của hiện tượng giảm sinh và già hóa dân số, nhưng để chính sách phát huy hiệu quả và đảm bảo bền vững, cần lộ trình lâu dài.

Các cơ quan chức năng cần tiếp cận tư duy “kiến tạo dân số” trong quá trình ban hành, thực thi và triển khai chính sách liên quan đến tăng mức sinh và ứng phó già hóa dân số; từ đó xây dựng “hệ sinh thái” các giải pháp tác động vào những yếu tố dẫn đến giảm sinh gồm: khuyến khích sinh con thứ ba, giáo dục, y tế, lao động - việc làm, hỗ trợ tài chính, truyền thông, thi đua khen thưởng, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực.

Để làm được điều này, chẳng những các cấp lãnh đạo phải gỡ bỏ hoàn toàn các rào cản về pháp lý, hành chính đối với những người sinh con thứ ba trở lên mà còn phải tập trung xây dựng các chính sách khuyến khích sinh con thứ ba đối với các gia đình trung lưu, độ tuổi từ 25-35, đảm bảo các điều kiện về kinh tế, điều kiện sống. Thay vì kỷ luật, phải lồng ghép tiêu chí thực hiện tốt chính sách khuyến sinh, chính sách dân số trong công tác thi đua, khen thưởng tại cộng đồng, cơ quan và doanh nghiệp.

Chính phủ nên sớm có sơ kết để đánh giá, bổ sung, cập nhật các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong thời kỳ mới, để từ đó có những chính sách phù hợp, nhằm đảm bảo phát triển dân số, nguồn lực lao động. Đối với tình trạng giảm sinh đáng lo ngại ở TPHCM, lãnh đạo thành phố cần được quyền ban hành những chính sách mạnh mẽ hơn để khuyến khích sinh con thứ ba trở lên.

Bộ Y tế, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tham mưu cho cấp thẩm quyền trong việc triển khai nghiên cứu, đề xuất đưa hẳn vào Luật Dân số nội dung “Mỗi cặp vợ chồng được quyền quyết định số con”, “Mỗi cặp vợ chồng được sinh con theo khả năng” thay cho nội dung “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” như hiện nay.

TPHCM: Mức sinh thấp “ổn định bền vững” là một thách thức

Theo thạc sĩ Ngô Văn Huấn, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người dân TPHCM đã tăng từ 26,6 tuổi năm 2009 lên 29 tuổi năm 2021 và là địa phương có độ tuổi kết hôn cao nhất; chênh lệch đến 7,4 tuổi so với tỉnh thấp nhất. Xu hướng kết hôn muộn, không sinh con hoặc sinh ít con đang ngày càng gia tăng và phổ biến ở người trẻ.

Dựa trên những dữ liệu thống kê hơn 20 năm trở lại đây thì dân số TPHCM đang đối mặt với 2 đặc điểm được coi là mang tính “đặc thù kép” về dân số, đó là mức sinh thấp “ổn định bền vững” và quá trình già hóa đang đến nhanh hơn so với cả nước.

 

Đảng viên, công chức nên đi đầu trong thực hiện khuyến sinh

Ông Lê Duy Thống cho rằng, trước đây, trong thời kỳ đất nước thực hiện chính sách giảm sinh thì đảng viên, công chức đi đầu về kế hoạch hóa gia đình. Hiện nay, khi chính sách dân số thay đổi, lực lượng này cũng cần đi tiên phong thực hiện chính sách khuyến sinh. Thời gian qua, các cơ quan chức năng chỉ nói đến hiện tượng già hóa dân số mà lại chưa đưa ra chính sách rõ ràng.

Do đó, phải rà soát, bổ sung rõ ràng, cụ thể hơn đối với chính sách dân số; các quy định về kỷ luật, thi đua, các quy định hành chính liên quan đến việc sinh con. Cần có chính sách đồng bộ của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực về vấn đề khuyến sinh mà trọng tâm là khuyến khích những người có điều kiện nuôi dưỡng, dạy dỗ nên sinh nhiều con; vận động, hỗ trợ những người có điều kiện sinh con nhưng không muốn sinh con...

Theo phụ nữ TPHCM