Nhóm bạn thân của chúng tôi tụ tập ở quán ăn để mừng sinh nhật Thùy Liên. Vào giữa tuần nên quán vắng khách. Cặp đôi ngồi bàn bên cạnh khá đẹp đôi. Người đàn ông trung niên có khuôn mặt điển trai, dáng lịch lãm. Người phụ nữ thì duyên dáng, có khí chất. Nhóm chúng tôi để ý tới họ vì lúc mới vào, người đàn ông lịch sự kéo ghế cho bạn gái, giúp chị ấy cởi áo khoác.

Thùy Liên nhiều chuyện: “Hai người này bồ bịch là cái chắc. Có đàn ông nào cư xử với vợ lịch sự kiểu đó đâu”.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Chúng tôi nổ ra cuộc tranh cãi tại sao cưới nhau rồi đàn ông không còn lịch sự, ga lăng với vợ? Tại lười biếng, không thèm màu mè hay tại vợ cũ rồi nên đàn ông chán, không cần ga lăng?

Trận tranh cãi của chúng tôi chưa kết thúc, chợt nghe giọng người đàn ông khẽ khàng nhưng chắc nịch: “Em bỏ chồng về ở với tôi không?”(*). Câu hỏi khiến cả nhóm chúng tôi tò mò trông sang.

Người phụ nữ cúi đầu, vai run rẩy. Người đàn ông với qua, nắm chặt tay chị. Bàn tay anh ta ở ngón áp út hãy còn đeo nhẫn. Bàn tay người phụ nữ cũng vậy…

Không hiểu sao lúc ấy chúng tôi chỉ thấy thương, chẳng hề coi thường chị. Biết đâu chị ấy cũng có những nỗi niềm, những mắc kẹt, đến nỗi không thể ly hôn để có tự do và được hẹn hò ngay thẳng. 

Thùy Liên - cô bạn đãi sinh nhật hôm nay từng kể, Liên thấy cô đơn nhất lúc gọi cho chồng báo vừa té xe vì bị cướp giật trên đường. Khi ấy chồng đã Liên thảng thốt hỏi: “Có mất tiền nong hay gì không?”.

Chị Thanh Tâm thì coi chồng như người dưng từ khi bàn với anh việc góp tiền cho ba chị mổ sỏi thận. Hôm ấy, chồng chị đã hỏi: “Em là con gái, có được chia của không mà góp?”…

Chị Quỳnh còn gặp "drama" khủng khiếp: bắt gặp chồng cùng nhân tình vừa từ khách sạn rời đi. Về nhà, anh chồng thẳng thừng với chị: "Nhìn lại cô xem. Tôi còn chẳng dám ra đường cùng cô...". Chị Quỳnh sau đó đã thay đổi bản thân, không còn tằn tiện, ky bo. Diện lên một chút, chị trở lại xinh đẹp mặn mà. Nhiều đàn ông buông lời chòng ghẹo, chiều chuộng chị. Chị đã manh nha lạc lòng để trả thù câu nói tàn nhẫn năm nào của chồng, nhưng rồi chị không thể làm vậy...

Vào lúc đàn bà tổn thương, cạn kiệt niềm tin, nếu người thứ 3 xuất hiện với những lời động viên, an ủi, họ rất dễ lạc lòng. Nhưng mối tình tội lỗi kia sẽ đi về đâu khi trên tay họ vẫn còn đeo nhẫn cưới, phía sau còn có những đứa con?...

“Chúng ta dừng lại thôi anh. Em thương các con em. Chồng em cũng hứa sẽ thay đổi...”, giọng người phụ nữ nghẹn ngào nhưng dứt khoát.

Chúng tôi bên bàn này thở ra. Rốt cuộc chị ấy chọn ở lại bên chồng con, có lẽ vì chồng chị còn có thể “cải tạo” được, vì chồng chị “thấy vậy thôi còn hơn nhiều đàn ông khác”; quan trọng là chị thương con cái, biết nghĩ cho con.

Nhìn họ ra cửa, 2 người rẽ sang 2 hướng khác nhau, chị Thanh Tâm thở dài: “Muốn gì thì cũng phải đợi ly hôn đâu đó rõ ràng, rồi tính. Vượt rào kiểu này vừa nguy hiểm vừa tổn hại thanh danh. May là chị ấy còn tỉnh táo”.

Tôi thì hy vọng những đứa con sẽ giúp chị vượt qua mọi sóng gió, giúp chị vực dậy cái "tổ nguội". Những đứa con như đôi cánh thiên thần, luôn tiếp thêm sức mạnh cho mọi bà mẹ.

Theo phụ nữ TPHCM