leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Cuối tuần bạn gửi tấm ảnh đĩa khoai lang, 2 cái trứng luộc kèm biểu tượng cười toe toét và tin nhắn: “Bữa cơm vắng chồng con! Trời ơi sướng, được thả tự do! ”.

Tôi cũng gửi cho bạn một mặt cười rạng rỡ, vui lây sự hài hước đáng yêu của bạn mình và chợt nghĩ về những khoảnh khắc được “thả” được “tự do” trong một mối quan hệ yêu đương hay một cuộc hôn nhân.

Tình yêu mãi mãi là một điều kỳ diệu. Yêu nhau, người ta gần như không có khả năng để cưỡng lại sự thích thú và ham muốn nhìn ngắm, ở bên cạnh, hay chạm vào người kia. Thế nhưng, khi yêu và về sống chung là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.

Tôi hay nghĩ, suy cho cùng, cặp đôi này có cuộc sống hôn nhân lâu hơn bền hơn cặp đôi kia, hình như không phụ thuộc nhiều vào việc họ từng yêu nhau ít hay nhiều, có điều kiện tốt hơn hay không tốt hơn. Điểm cốt yếu nhất khiến cuộc hôn nhân có vấn đề, chính là việc không hiểu tình yêu chỉ là một miếng trong chiếc bánh gato cuộc đời, bên cạnh những miếng khác: cha mẹ, con cái, công việc, bạn bè, ước mơ hoài bão riêng tư…

Tình yêu chỉ là một miếng bánh thôi! Nhớ lại tiếng reo của cô bạn, tôi tự hỏi có bao nhiêu đàn bà, đàn ông cũng thèm reo lên như thế trong mái nhà của mình? Như chuyện của ba mẹ tôi. Ba tôi là một ông cụ 75 tuổi. Mẹ tôi yêu thương ba tôi thì hẳn rồi. Tình yêu và tình thương ấy đã được thử thách qua biết bao chặng sóng gió gập ghềnh. 50 năm hơn chứ đâu có ít. 10 năm trở lại đây, khi không còn vướng víu các con các cháu, thì toàn bộ sức lực và thời gian mẹ dồn hết lên ba.

Mẹ không chỉ chăm chút ba từng li từng tí, băn khoăn cân nhắc sáng - trưa - chiều - tối, ba cần ăn gì, ngủ vào lúc mấy giờ, mà đến cả cái móng tay của ông cũng không qua được mắt bà. Ông vừa mang đôi giày thể dục, chưa đi bộ bao xa bà đã thấp thỏm, rồi không kìm được, gọi điện dặn phải đi thế này, đứng thế kia, phải thở ra sao, phải dừng lại thế nào….

Ba tôi có cảm gíac tù túng trong sự chăm sóc yêu thương của mẹ (ảnh minh hoạ)
Ba tôi có cảm giác tù túng trong sự chăm sóc yêu thương của mẹ (ảnh minh hoạ)

Mùa hè năm nay, khi các cháu nghỉ học, ba thuyết phục mẹ đến nhà đứa con gái này chơi dăm hôm, đứa kia vài bữa. Tận mắt chứng kiến vẻ mặt hồ hởi không giấu được lúc ba tiễn mẹ đi, chúng tôi giật mình bảo nhau: Không lẽ ba mừng khi mẹ vắng nhà hay sao?

Một tuần sau đó, chị em tôi hết đứa này đến đứa khác phải nghe mẹ điện thoại kể tội ba. Nào là ông tự ý ăn giò heo đầy mỡ, uống cà phê 2 lần, không thay áo gối không giặt mền, coi quyền Anh, tennis đến 2 giờ khuya, đi nghêu ngao ngoài đường với mấy ông già, không kể lạnh lẽo sương gió… Chúng tôi chợt hiểu, ba đã thật sự mừng vui khi mẹ rời nhà vài ngày.

Ba tôi được thở, được tự do, được sống với những thứ ông muốn - có thể không tốt - nhưng nó là thứ khiến ba thoải mái, không bị gò bó, không bị ai xét nét. Có cái gì đó gần giống như cuối ngày làm việc tôi được bỏ đôi giày cao gót, chiếc áo dài ôm sát người, tẩy hết lớp trang điểm, để mặc cái áo đầm cotton rộng thùng thình, mặt mũi nhợt nhạt, đi chân đất, nhưng thật mát mẻ, khỏe khoắn, thoải mái...

Chị em tôi gác điện thoại, lòng tràn ngập nỗi thương mẹ thương ba, thông cảm cho những nỗi niềm của 2 người già quen dựa vào nhau và đi cùng nhau hơn nửa thế kỷ. Nhưng, một cách tự nhiên, không ai bảo ai, chúng tôi tự soi lại chính mình, tự hỏi bản thân rằng: Có khi nào mình đã vì yêu thương mà nhốt người ta vào sự ngột ngạt chưa? Có khi nào mình cũng muốn được reo lên vui mừng như cô bạn, như ba chưa?

Theo phụ nữ TPHCM