Chị Hạnh Dung kính mến,

Em và anh quen nhau được một năm. Lúc đầu quen anh, em thấy anh có nhà riêng, công việc ổn định thì rất yên tâm. Không phải em tham lam gì, nhưng nghĩ nếu vợ chồng cưới nhau mà đã có nhà cửa thì sẽ nhẹ nhàng hơn về kinh tế. Còn nhà của chồng thì cứ đứng tên chồng thôi, em không yêu cầu đòi hỏi gì.

Thế nhưng đến nay, khi bàn tới chuyện cưới xin, em mới biết người yêu còn nợ ngân hàng tiền mua nhà, khoảng hơn 1 tỷ đồng. Người yêu đưa ra kế hoạch: tiền lương anh tiếp tục trả nợ ngân hàng, tiền lương em để chi tiêu sinh hoạt gia đình...

Khi nghe chuyện này, bạn bè người thân đều cản em, nói rằng nhà đứng tên anh, giờ đóng góp như thế, mai mốt có chuyện gì, anh nói tiền nhà là của anh hết thì em trắng tay hay sao?

Ba mẹ em nói em bàn với anh về vấn đề này, ít nhất mọi chuyện phải rõ ràng ngay từ đầu. Em không biết có nên nói với anh hay không? Nói ra nghe mình có vẻ tính toán, không tin tưởng vào người yêu và cuộc sống tương lai, em cũng ngại anh sẽ tự ái. Xin chị Hạnh Dung cho em ý kiến.

Hồ Thu

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Hồ Thu thân mến,

Nếu trong trường hợp người yêu em nợ nần là do bài bạc, cá độ hay ăn chơi, thậm chí do trong nhà người ấy có người như vậy và người ấy phài "è cổ" ra gánh vác, thì chắc chắn lời khuyên của Hạnh Dung dành cho em là: hãy suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ về cuộc hôn nhân này.

Thế nhưng việc chồng chưa cưới của em nợ là do đang mua nhà trả góp, thì đó là một món nợ chính đáng. Món nợ ấy cũng phần nào chứng tỏ rằng ngay từ khi còn trẻ, người ấy đã biết chắt bóp, lo toan, kế hoạch, để có thể có một mái nhà vững chắc cho tương lai.

Như vậy thì việc cân nhắc mà Hạnh Dung khuyên ở đây, là hãy xem lại các kế hoạch tài chính mà người ấy đưa ra và bàn bạc một cách rõ ràng cụ thể với người ấy.

Những lo lắng của mọi người cũng không phải là không có lý, không phải là sự tính toán so kè thiệt hơn ích kỷ... mà nó phát xuất từ thực tế cuộc sống mà mọi người đã trải qua, đã nhìn, đã thấy, đã nghe.

Vì nó là một thực tế trong cuộc sống, nên em cũng nên lắng nghe mọi người, và có những cân nhắc, suy nghĩ để bàn bạc về vấn đề này một cách thấu đáo hơn với chồng tương lai. Bởi vì vấn đề kinh tế luôn là một trong những điều hết sức quan trọng, mà vợ chồng trẻ nên có những thảo luận và kế hoạch cụ thể trước khi bước vào cuộc sống chung.

Vì em chỉ hỏi Hạnh Dung rằng có nên nói vấn đề này với chồng sắp cưới hay không, nói ra có ngại chạm tự ái của anh hay không, có khiến anh nghĩ mình tính toán so đo thiệt hơn không... thì Hạnh Dung trả lời dứt khoát và ngắn gọn như vầy: Nên!

Nó càng phải nên làm, khi trong đầu em đã xuất hiện những nghi ngại, lo lắng, suy nghĩ. Phải chia sẻ điều đó với người em quyết định gắn bó cả đời để họ hiểu, và cùng em giải tỏa mọi vấn đề vướng mắc, thì cuộc sống chung mới được bắt đầu nhẹ nhàng, tin tưởng và tốt đẹp.

Nếu chồng sắp cưới của em là người hiểu lý lẽ và biết nghĩ cho em, anh ấy sẽ hiểu được điều mà em đang băn khoăn suy nghĩ. Nếu vì vô tâm mà không nghĩ tới vấn đề đó, anh ấy sẽ cùng em bàn tính lại. Thậm chí có lẽ sẽ thấy mình có lỗi vì không nghĩ thấu đáo mọi việc...

Có thể anh ấy cũng sẽ có chút chạnh lòng vì tự ái, vì nghĩ gần nghĩ xa, vì cảm thấy em bị tác động và không tin tưởng... Nhưng Hạnh Dung cho rằng nếu là người thấu tình, đạt lý, thì anh ấy sẽ phải hiểu và thông cảm cho em mà thôi.

Giải quyết vấn đề khó khăn này thế nào? Phân chia mọi việc ra sao? Có những cam kết hay thỏa thuận gì thì Hạnh Dung khó góp ý cho em được, vì đó là vấn đề rất tế nhị và cần nhiều phương án để chọn lựa sao cho hợp lý với những thực tế cuộc sống, thu nhập và kế hoạch tương lai của cả hai.

Điều quan trọng nhất là làm sao những bàn bạc này giúp các em tìm ra những giải pháp tốt nhất, để cả hai cùng thấu hiểu, an tâm và tin tưởng vào cuộc sống chung, vào người bạn đời của mình, em nhé.

Theo phụ nữ TPHCM